“Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

ANTĐ - Có lẽ, địa danh Mường Lát nổi tiếng từ một câu thơ trong bài “Tây Tiến”  của Quang Dũng. Mường Lát vốn thuộc tỉnh Thanh Hóa, nhưng lại nằm trong vùng Tây Bắc. Sau gần 1 ngày với đủ bụi đường, khúc cua tay áo, lên dốc, qua ngầm, vượt suối, chúng tôi đã đến với nơi này. Đêm Mường Lát nhiệt độ khác hẳn ban ngày khi sương núi giăng xuống và lần đầu tiên trong đời, tôi được hiểu đến tận cùng câu thơ của thi sĩ xứ Đoài: “Hoa về trong đêm hơi”.

“Mường Lát hoa về trong đêm hơi” ảnh 1Phố chợ Mường Lát

Chuyến đi đến xã Mường Lý, huyện Mường Lát của chúng tôi xuất phát từ hình ảnh những đứa trẻ phải dựng lều bên sườn dốc để theo học tiểu học. Thắc mắc Mường Lý là nơi nào mà khổ thế, thiếu thốn thế. Và thế rồi, chúng tôi đã có một chuyến đi không bao giờ quên. Đường đến Mường Lát trước kia của dân du lịch bụi là “đường tre suối muống” dài 40km dẫn từ Mai Châu qua Co Lương nhưng lần này chúng tôi chọn đường Hồ Chí Minh, rẽ lối Na Mèo rồi len lỏi vào tận Mường Lát, chạm chân đến mảnh đất này cũng vừa 4h chiều. 

Thị trấn Mường Lát nhỏ với những con đường dốc đặc trưng của vùng núi. Chỉ có một khách sạn duy nhất với sức chứa chỉ vài chục người. Chợ Mường Lát nằm ngay đường qua thị trấn với những gian hàng là gầm của nhà sàn người Thái. Chàng trai Thanh Hóa làm nghề may đang là chiếc áo trước khi giao cho khách thấy dân du lịch từ xa tới cứ nhất định mời vào nhà uống chén nước với nụ cười “Vào nhà xơi chén nước đã anh ơi. Hà Nội không vội được đâu”. Chả cần mời đến lần thứ hai, chúng tôi đã dựng xe, ào vào nhà nhấp chén trà đắc-cơi, thứ nước nấu từ rễ và cây rừng có màu đỏ nhạt, vị thì giống nước gạo rang. Sau vài câu chuyện đưa đẩy, chàng thợ may mách vào nhà sàn của dân mà ngủ nhờ, vừa ấm áp vừa vui, người dân ở đây quý khách lắm.

Nói vậy nhưng rồi cũng chả biết nhà dân nào cho ngủ nhờ, những bước chân xê dịch lại tiếp tục khám phá thị trấn heo hút này. Rồi gặp một cô gái đang vật vã với chiếc xe máy bất ngờ dở chứng, sẵn đồ, cả nhóm xúm lại và chỉ sau 15 phút, chiếc xe đã nổ máy ngon lành. Hỏi thăm nhà sàn nào cho ngủ nhờ, cô gái nhìn lướt rồi mời “Các anh chị lên nhà em mà ngủ, nhà em là nhà sàn dưới dốc kia”.

“Mường Lát hoa về trong đêm hơi” ảnh 2Nhà sàn... và chàng thợ may vui tính trong chợ Mường Lát

Bữa ăn tối hôm đó ở nhà cô gái có thịt vịt nướng, gà núi, măng luộc. Thứ gà núi ăn ngô leo dốc nên thịt chắc, giòn. Giống vịt Lào chỉ có ở vùng biên được nướng lụi trên than hồng. Và đặc biệt nhất là măng, thứ măng nứa luộc chấm muối vừng và bát canh măng ngọt với miếng măng dày nhưng giòn. Hỏi ra mới biết là măng của cây luồng. “Tre nứa trúc mai vầu, mấy chục loại khác nhau nhưng cùng một mầm non măng mọc thẳng”. Vùng đất Thanh Hóa nổi tiếng với cây vầu, một giống tre có thân to, đường kính có khi tới 20cm rất thích hợp dựng nhà, làm sàn. Măng vầu vì thế cũng to khác thường, một cây măng đủ cho cả nhóm chúng tôi thưởng thức trong một đêm nhà sàn. 

Đêm Mường Lát, hơi sương vương từ đỉnh núi bảng lảng xuống mái nhà sàn. Ngồi bên bếp lửa, nhớ bài thơ “Tây Tiến”, những năm xa xưa ấy, binh đoàn Tây Tiến cầm đuốc soi đường về đến Mường Lát vào đêm sương giăng nên mới có câu “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Những ngọn đuốc soi đường được ví như những bông hoa mà có thêm câu “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa” là vậy. Sáng hôm sau, rời Mường Lát để tiếp tục con đường thiên lý, trong ba lô của dân bụi lại có thêm bó măng vầu phơi khô. Hà Nội nhiều măng khô lắm nhưng măng vầu thì ít thấy.