Muốn phát triển hay hội nhập đều phải bắt đầu từ con người

ANTĐ - Hàng loạt những tồn tại, hạn chế, yếu kém nội tại của nền kinh tế - xã hội nước ta hiện nay đã được các ĐBQH thẳng thắn chỉ ra khi thảo luận trước Quốc hội vào ngày 2-11. Theo các ĐB, trong hàng chục nhóm giải pháp đề ra quan trọng nhất vẫn phải bắt đầu từ yếu tố con người.

Đừng đổ lỗi cho người lao động

Đề cập đến vấn đề năng suất lao động của nước ta hiện quá thấp - là 1 trong 9 chỉ tiêu kinh tế, xã hội không đạt kế hoạch Quốc hội giao ở giai đoạn 2011- 2015, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, đây là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của mọi nền kinh tế. “Nhiều ý kiến đổ lỗi trách nhiệm do phía người lao động và cho rằng năng suất lao động thấp nên không thể tăng lương tối thiểu. Theo tôi đó là quan điểm không đúng, bởi người lao động Việt Nam có nhiều phẩm chất cao quý, ham học hỏi. Chúng ta cần phải đi tìm nguyên nhân năng suất lao động thấp ở các lĩnh vực khác” - ĐB Đỗ Mạnh Hùng nói.

Theo ĐB, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này gồm: thiết bị và công nghệ lạc hậu; quản trị doanh nghiệp và quản trị xã hội ở nhiều địa phương yếu kém; số lao động có chứng chỉ đào tạo nghề thấp, đây là điều cần giải quyết.

Ở nhóm nhân lực chất lượng cao, nhân tài, chính sách trọng dụng của chúng ta hiện nay cũng có nhiều vấn đề. Bày tỏ sự day dứt trước tình trạng này, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TP.HCM) dẫn chứng “13 học sinh nhận học bổng của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” đi du học thì có đến 12 cháu ở lại nước ngoài làm việc. Nhiều thế hệ trẻ khác được đi học bài bản ở nước ngoài, cha mẹ và bản thân các cháu cũng mong muốn về làm việc trong nước, nhưng rất tiếc chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu này do thiếu cơ chế phù hợp để khai thác”.

Tương tự, ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) đau xót: “Có doanh nghiệp nhận hàng trăm hồ sơ vào thử việc nhưng cho vận hành máy thì chỉ một vài người làm được. Ngược lại, không ít sinh viên ra trường phải giấu bằng đại học để đi làm công nhân, thợ xây, phụ hồ, đánh giày, bán báo, thế thì đào tạo làm gì?”.

Ở mức độ vĩ mô hơn, ĐB Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh, cán bộ là cái gốc, công tác cán bộ là quan trọng nhất và tất cả những thành tựu hay những tồn tại của nền kinh tế, những bức xúc của xã hội hiện nay đều có trách nhiệm rất lớn từ đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo đứng đầu. Do vậy, ngoài 5 bài học kinh nghiệm về kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã tổng kết, ĐB Lê Nam đề nghị cần bổ sung thêm bài học về trách nhiệm của những cán bộ đứng đầu. Đồng thời với đó là việc triển khai nhiều giải pháp thiết thực để tinh giản bộ máy công chức hưởng lương ngân sách, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Bảo vệ nhóm yếu thế, tạo cơ chế để hội nhập

Vấn đề nông nghiệp nông thôn, đời sống nông dân một lần nữa lại là mối quan tâm hàng đầu của các ĐBQH. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) đề cập, mỗi năm chúng ta thiệt hại khoảng 2 tỷ USD do sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng còn nông dân thì khốn đốn vì tình trạng này. “Trong khi các quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp lớn chỉ sử dụng từ 20-30 loại phân bón, Thái Lan cũng chỉ có 100 chủng loại dùng cho sản xuất nông nghiệp thì thị trường phân bón tại Việt Nam đang tồn tại khoảng 7.000 chủng loại, khiến nông dân không có cách nào phân biệt” - ĐB Nguyễn Sỹ Cương phân tích.

Theo ĐB, các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp giải quyết dứt điểm thực trạng này để bảo vệ nông dân. Một số ĐBQH khác đề nghị đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh nông nghiệp, làm sao để gỡ khó và thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển được nhiều ĐBQH xem là nhiệm vụ cốt yếu hàng đầu để tăng trưởng nền kinh tế, vững bước hội nhập. ĐB Trần Khắc Tâm (đoàn Sóc Trăng) phân tích, sức nóng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang phả vào gáy chúng ta mà nếu không nhận biết định lượng cụ thể về các cơ hội và thách thức, tận dụng được cơ hội để cải thiện sức khỏe bên trong của mình, thì nền kinh tế Việt Nam (là nền kinh tế yếu nhất trong 12 nền kinh tế TPP) sẽ hoàn toàn bị “đánh chiếm” bởi các đội quân viễn chinh kinh tế hùng hậu của nước ngoài, cuối cùng trở thành người làm thuê trên mảnh đất của mình.

Trở lại với vấn đề về yếu tố con người, ĐB Trần Khắc Tâm cho rằng, để thành công trong TPP, giải pháp quan trọng chính là đột phá vào con người và việc cấp bách cần làm ngay là phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, trục lợi, yếu kém ra khỏi bộ máy.

ĐB Ngô Đức Mạnh (đoàn Bình Thuận) cũng cho rằng, để tham gia các thể chế của kinh tế toàn cầu cần phải nhận thức được nội lực rất quan trọng và trong đó đội ngũ doanh nghiệp chính là nền tảng quan trọng nhất của nền kinh tế. Nhiều ĐB khác bình luận, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp nước ta còn nhiều hạn chế, chưa có những doanh nghiệp quy mô lớn, công nghệ tụt hậu… và đó là thách thức, khó khăn lớn nhất cần có giải pháp cải thiện để đủ sức cạnh tranh và hội nhập.

Bộ trưởng Bộ LĐ - TB & XH Phạm Thị Hải Chuyền: Không cắt nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo

Được chỉ định giải trình một số nội dung mà nhiều ĐBQH quan tâm tại phiên thảo luận, cuối buổi chiều 2-11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trong thời gian tới Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu cao nhất là giảm nghèo bền vững nên vẫn trình Quốc hội cho thực hiện đề án chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.

Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH sau khi công bố chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 thì tiếp tục rà soát, đánh giá hộ nghèo. Trên cơ sở đó, tổng nguồn lực khoảng 48.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục được thực hiện chi cho công tác này. Nếu áp dụng chuẩn nghèo mới thì kinh phí cho sự nghiệp chi cho chính sách giảm nghèo khoảng 15.000 tỷ đồng/năm. Chính phủ xác định đây là mục tiêu không thể cắt giảm nên sẽ tiếp tục bố trí nguồn lực để thực hiện giảm nghèo. 

Về công tác dạy nghề, hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo của chúng ta mới chỉ đạt 51,6%, không đạt chỉ tiêu kế hoạch giao (đến năm 2015 phải đạt 55%), trách nhiệm thuộc về ai? Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, đây là lĩnh vực mà nhiều cơ quan chức năng cùng có trách nhiệm.

Chẳng hạn trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Chính phủ phân công nếu đào tạo nghề nông dân thì Bộ NN&PTNT phụ trách còn đào tạo nghề phi nông nghiệp thì Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UBND các địa phương triển khai. Cũng theo Bộ trưởng, ở đầu nhiệm kỳ này Quốc hội đặt chỉ tiêu mỗi năm tăng 3% tỷ lệ lao động qua đào tạo nhưng mấy năm vừa rồi chưa năm nào đạt được mức tăng như kế hoạch đề ra.

Nguyễn Phan (Ghi)