Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Mức phạt nên phù hợp với thu nhập của người dân

ANTĐ - Chiều qua, 30-5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đây là một trong những dự luật sẽ có tác động sâu rộng tới đời sống xã hội. Song, ở thời điểm hiện tại, còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự luật này.

Vi phạm TTATGT ngày càng tăng, dù mức xử phạt nhiều lần được nâng cao

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một trong những vấn đề hiện còn nhiều ý kiến tranh luận là nâng mức phạt tiền. Một số ý kiến tán thành mức phạt tiền tối đa quy định như trong dự thảo luật. ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói: “Mức phạt hiện hành đã lạc hậu, không đủ răn đe. Dân kêu, người thực thi công vụ cũng kêu đã “nhờn thuốc”. Thực tế, vi phạm hành chính đang ngày một tăng, cả về số lượng và mức độ ngang nhiên, nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực”.

Tuy nhiên, số khác lại cho rằng mức phạt tiền tối đa 2 tỷ đồng là quá cao và dễ làm phát sinh tiêu cực giữa người vi phạm và người thi hành công vụ. ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nói: “Phạt tiền cao chưa chắc đã hiệu quả. Hơn nữa, phạt bao nhiêu phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân...”.

Tương tự, quy định cho phép phạt nặng gấp 2 lần mức chung đối với các hành vi vi phạm ở nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương cũng gây nhiều tranh cãi. Đa số ý kiến đồng ý nhưng cũng có người nói rằng quy định này dẫn đến không thống nhất trong việc áp dụng chế tài xử phạt hành chính trong phạm vi toàn quốc. ĐB Thân Đức Nam phân tích: “Ở các thành phố lớn, phạt nặng gấp 2 lần là đúng vì vi phạm ở đó gây tác hại lớn hơn rất nhiều các khu vực khác. Ngoài ra, tăng mức phạt cao hơn ở nội thành thời gian qua cũng đã kiểm chứng được tính hiệu quả”. Tuy thế, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) lại không đồng tình: “Ùn tắc giao thông ở đô thị do nhiều nguyên nhân chứ đâu phải chỉ do vi phạm hành chính. Phải lo đồng bộ nhiều giải pháp chứ phạt nặng đâu giải quyết được vấn đề”.

Tiếp đó, vấn đề trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp hay tịch thu tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt để vi phạm hành chính cũng được rất nhiều ĐBQH quan tâm. UBTVQH nghiêng về phương án trả lại tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép cho chủ sở hữu, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của công dân, tổ chức. Đồng thời, để xử lý nghiêm trường hợp người có hành vi chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tang vật, phương tiện của người khác để vi phạm, cần quy định “trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách Nhà nước”.

ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cùng quan điểm: “Tịch thu xe đua vi phạm sẽ phương hại tới quyền lợi của chủ sở hữu thực sự. Họ có vi phạm đâu”. ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) có quan điểm ngược lại: “Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng trái phép với một số hành vi vi phạm có ảnh hưởng xấu tới trật tự an toàn xã hội như đua xe trái phép là cần thiết, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật. Nếu trả lại sẽ nảy sinh kẽ hở để các đối tượng vi phạm lợi dụng”.

Quan điểm nên bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh cũng được nhiều ĐBQH quan tâm. ĐB Ngô Văn Minh đồng tình với việc bỏ bởi “đây là vấn đề xã hội” và “gái mại dâm thực ra cũng là nạn nhân”. Tuy nhiên, ĐB Drong Minh Thắm (Lâm Đồng) lại bảo phải “không thể bỏ”: “Không đưa gái mại dâm vào cơ sở chữa bệnh thì đưa đi đâu? Tôi sợ là nếu bỏ sẽ ảnh hưởng lớn tới công tác phòng chống tệ nạn xã hội và tăng nguy cơ lây truyền bệnh tật trong cộng đồng...”.

Ngăn chặn ngay quảng cáo phản cảm

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về dự Luật Quảng cáo. Về mặt hàng bia rượu, dự thảo luật quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên. Không đồng tình với quy định này, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị cấm quảng cáo đối với bia rượu. Bởi ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe, rượu bia còn ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Một số ĐBQH còn điểm mặt những quảng cáo phản cảm, có hình ảnh gợi dục, lời nói thiếu chuẩn mực đang được phát tràn lan trên truyền hình. Chẳng hạn, một vài loại thuốc bổ thận, tăng cường sinh lý... thường xuất hiện với những hình ảnh nhạy cảm, kích thích sự tò mò của trẻ nhỏ. ĐB Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) than phiền: “Ở quê tôi, trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo đã luôn miệng “một người khỏe hai người vui” nghe rất chướng. Phải có ngay biện pháp ngăn chặn hiện tượng này”.