Mua số lô, đề qua mạng, vừa mất tiền, vừa dễ dính vòng lao lý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Gần đây cơ quan công an triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm lừa đảo với phương thức: lập các tài khoản Zalo, mạo danh là nhân viên của công ty xổ số để bán số lô, số đề, kèm cam kết chắc chắn trúng thưởng 100%. Tuy nhiên, hầu hết những người mua số lô, đề đều không trúng thưởng. Với thủ đoạn đó rất nhiều người đã bị mất tiền cho các ổ nhóm lừa đảo này... Xin hỏi luật sư, những người mua số lô, đề của các nhóm lừa đảo như nêu trên và sau đó bỏ từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng và thậm chí là hàng chục, hàng trăm triệu đồng ra chơi lô, đề có vi phạm pháp luật hình sự không? Trường hợp vi phạm thì sẽ bị xử lý như thế nào? Nguyễn Văn Công (Hà Nội).

Luật sư trả lời: Theo quy định của pháp luật, đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.

Như vậy hành vi của người trả tiền cho nhóm lừa đảo để nhóm lừa đảo cung cấp số lô, đề, rồi người đó bỏ tiền để đánh lô, đề theo con số mà nhóm lừa đảo cung cấp là hành vi đánh bạc trái phép. Hành vi đánh bạc trái phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, tùy vào số tiền hoặc giá trị hiện vật được dùng để đánh bạc.

Cụ thể, Điều 321 - Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội đánh bạc như sau: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Hành vi đánh bạc trái phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, tùy vào số tiền hoặc giá trị hiện vật được dùng để đánh bạc

Hành vi đánh bạc trái phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, tùy vào số tiền hoặc giá trị hiện vật được dùng để đánh bạc

Theo quy định trên thì người chơi lô, đề sẽ bị xử lý hình sự nếu thuộc một trong những trường hợp: Số tiền hay hiện vật dùng chơi lô, đề trị giá từ 5.000.000 đồng trở lên; số tiền hay hiện vật dùng chơi lô, đề trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc hành vi gá bạc; số tiền hay hiện vật dùng chơi lô, đề trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý hình sự về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc hành vi gá bạc, chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục chơi lô, đề.

Nếu không thuộc một trong 3 trường hợp này thì người chơi lô, đề sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1, Điều 26 - Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013: “Hành vi mua các số lô, số đề là hành vi đánh bạc trái phép bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng”. Cần phải hiểu rằng việc xử phạt hành chính sẽ là tiền đề để xử lý hình sự nếu tiếp tục chơi lô, đề dù chỉ vài nghìn hay vài chục nghìn.

Ngoài việc bị xử phạt dù hành chính hay hình sự, người chơi lô đề còn bị tịch thu tiền, hiện vật dùng để đánh bạc. Nếu bị xử lý hình sự, ngoài việc có thể bị phạt tù, người chơi lô, đề còn có thể bị áp dụng thêm hình phạt tiền từ 10.000.000 đến 50.000.000 đồng. Và người chơi lô, đề từ 50.000.000 đồng trở lên có thể bị phạt tù từ 3 đến 7 năm. Đây là quy định tại khoản 2, Điều 321 - Bộ luật Hình sự.

Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh (Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh (Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Về cách xác định trị giá tiền hay hiện vật được sử dụng để chơi lô, đề, từ đó làm căn cứ xử phạt hành chính hay xử lý hình sự, trước đây theo Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì cách xác định như sau: Trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ.

Ví dụ: A mua số đề với tổng số tiền là 100.000 đồng, tỷ lệ được thua 1/70 lần, hành vi của B bị phát hiện sau khi có kết quả mở thưởng xổ số... và B đã trúng số đề mua với số tiền 7.000.000 đồng thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng + 7.000.000 đồng = 7.100.000 đồng.

Tuy nhiên Nghị quyết này đã hết hiệu lực từ ngày 8-10-2021 nên cách xác định trị giá tiền hay hiện vật chơi lô, đề theo Nghị quyết này không còn phù hợp. Còn theo hướng dẫn mới nhất của Tòa án nhân dân tối cao tại Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30-6-2020 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử thì đối với trường hợp đánh bạc bằng hình thức chơi lô, đề, việc xác định khung hình phạt và mức hình phạt căn cứ vào số tiền dùng vào việc chơi lô, đề.

Tóm lại, người chơi lô, đề trong trường hợp trên bị thiệt hại rất nhiều. Đầu tiên họ là bị hại, nghĩa là họ bị lừa mất một khoản tiền để mua số lô, đề, nhưng tiếp theo họ lại là người vi phạm pháp luật, bị cơ quan pháp luật xử lý về hành vi đánh bạc. Khi ra Tòa họ sẽ phải đứng hai vai, một là bị hại và hai là bị cáo chứ không như nhiều người lầm tưởng rằng họ đã bị lừa mất tiền thì sẽ không bị xử phạt nữa.