Cần xử lý thích đáng đối tượng gây rối trật tự phiên tòa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, tại một số trụ sở cơ quan tòa án nhân dân (TAND) đã xảy ra tình trạng người dân gây rối trật tự phiên tòa, thậm chí xô xát dẫn tới án mạng khiến nhiều người lo lắng và đặt câu hỏi: “Đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý ra sao”?
  1. Từ gây rối trật tự đến đâm chết người tại tòa

Thực tiễn xét xử, hòa giải ở các phiên tòa cho thấy, việc tuân thủ nội quy, quy định tại tòa của người tham gia chưa nghiêm. Nhiều trường hợp không chấp nhận phán quyết của tòa án đã gây rối trật tự, chửi bới, to tiếng, thậm chí hành hung, gây án mạng tại tòa.

Ngày 30-10 vừa qua, tại phòng làm việc của thẩm phán TAND huyện Lục Ngạn diễn ra phiên công khai chứng cứ hòa giải vụ án “tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa Dư Văn Thanh (SN 1983, ở xã Hồng Giang) và bố vợ là ông Lưu Văn L (SN 1961 ở xã Giáp Sơn (cùng huyện Lục Ngạn). Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là chị Lưu Thị H (SN 1989, vợ của Thanh).

Do các bên không thỏa thuận được việc hòa giải, Thanh không ký vào biên bản, bỏ ra ngoài rồi bất ngờ quay lại phòng làm việc dùng dao đâm vợ tử vong tại chỗ và bố vợ trọng thương.

Dư Văn Thanh đầu thú sau khi sát thương vợ, bố vợ tại TAND huyện Lục Ngạn.
Dư Văn Thanh đầu thú sau khi sát thương vợ, bố vợ tại TAND huyện Lục Ngạn.

Vụ việc trên không phải hi hữu. Trước đó trong một số phiên toà, khi HĐXX ra phán quyết, bị cáo, người thân của bị cáo cho rằng hành vi của bị cáo là không phạm tội nên đã hô hào, kích động, đẩy đổ bàn ghế của kiểm sát viên, luật sư, nhảy lên bục xét xử, giằng co, chống đối lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp...làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan công quyền.

Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gây rối trật tự phiên tòa là do điều kiện cơ sở vật chất của TAND còn thiếu thốn, đặc biệt là ở cấp huyện, thường không có phòng tiếp đương sự riêng biệt cho các thẩm phán.

Mặt khác, do những quy định xử lý các hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa chưa đầy đủ dẫn tới khó khăn trong triển khai thực hiện. Các cán bộ của tòa án chỉ có thể can ngăn hai bên và dừng buổi làm việc, không thể xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, sau các sự việc trên, hết đối tượng gây rối chỉ bị cảnh cáo, nhắc nhở nên chưa có tính răn đe.

Trong khi đó, lực lượng bảo vệ ở hầu hết các tòa án chưa được đào tạo chuyên nghiệp nên hạn chế về kỹ năng, kinh nghiệm trong kiểm soát người ra vào và giải quyết các vụ gây rối, ẩu đả bất ngờ xảy ra.

Cần xử lý hình sự để làm gương

Về chế tài xử lý, theo Luật sư Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa có thể bị phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về phạt hành chính, theo Điểm d Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa, nơi thi hành án hoặc hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động xét xử, thi hành án thì có thể bị phạt từ 2-3 triệu đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự phiên tòa theo Điều 391 BLHS 2015 sửa đổi.

Theo đó, người nào tại phiên tòa mà thóa mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm thành viên Hội đồng xét xử, những người khác có mặt tại phiên tòa hoặc có hành vi đập phá tài sản thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-1 năm.

Phạm tội gây náo loạn phiên tòa dẫn đến phải dừng phiên tòa hoặc hành hung thành viên Hội đồng xét xử thì bị phạt tù từ 1-3 năm.

Ngoài ra, theo Điều 256 Bộ luật TTHS 2015 quy định về Nội quy phiên tòa, theo đó mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.

Người vi phạm nội quy phiên tòa thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính.

Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự phiên tòa.

Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự. Quy định tại Điều này cũng được dụng đối với người có hành vi vi phạm tại phiên họp của Tòa án – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.