Mưa lớn, 3 người chết và mất tích

ANTĐ - Tính đến trưa ngày 12/9/2011, mưa lớn tại hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã khiến gần 600 ngôi nhà bị ngập, sập và sạt lở;  hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Tại Nghệ An đã có 2 người chết và 1 người bị mất tích; cuốn trôi chiếc ô tô 7 chỗ, những người trên xe may mắn thoát được ra ngoài.
Mưa lớn, 3 người chết và mất tích ảnh 1
Hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu có nguy cơ bị mất trắng (Ảnh: Dân trí)

Nghệ An: 3 người chết và mất tích

Lượng mưa đo được tại Nghệ An trong những ngày qua phổ biến từ 100 – 350mm, một số nơi lượng mưa trên 350mm như tại các huyện Nam Đàn 356mm; Cửa Hội 417mm, Quế Phong 438mm; Tây Hiếu 447mm…Mưa to khiến cho lũ trên hệ thống sông Cả tại Nghệ An lên cao, mực nước trên sông Hiếu tại Quỳ Châu là 71,64m, tại Nghĩa Khánh là 39,14m;  trên sông Cả tại Dừa 22,28m và tại Đô Lương 15,55m… 

Mưa lũ đã cuốn trôi hai mẹ con chị Vi Thị Mùi (42 tuổi) và con gái Vi Thị Dung (học lớp 6), trú tại bản Kẻ Gia, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, thi thể chị Mùi và cháu Dung sau đó được tìm thấy tại bản Kẻ Trắt và bản Bà Hà, xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông, Nghệ An). Còn người mất tích là anh Hoàng Văn Quý (42 tuổi, xóm Canh, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn), bị lũ cuốn trôi, hiện vẫn chưa tìm thấy xác. 

Ngoài ra còn có gần 400 ngôi nhà bị ngập, 5 nhà bị sập, 31 nhà bị sạt lỡ và 1 chiếc xe 7 chỗ bị cuốn trôi tại xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn vẫn chưa thể trục vớt; Hàng ngàn ha lúa, hoa màu và hàng trăm con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.

Mưa lũ làm cản trở giao thông tại nhiều thôn, xã (Ảnh: Hoàng Lam)

Nhiều hệ thống công trình giao thông thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng: Kênh đất bị sạt lở, bồi lấp 5.000m; Kênh xây bị sạt lở, hư hỏng: 1.370m; Kênh bê tông bị sạt lở, hư hỏng: 110m; Đập nhỏ bị hư hỏng: 8 cái; Hồ đập bị tràn: 7 cái; Đất đá các hồ chứa, đập thủy lợi bị sạt lở: 1.800 m3 và công trình nước sinh hoạt tự chảy bị hỏng: 6 cái...

Hơn 5.100 m3 đường giao thông bị sạt lở, 10.000m đường bị ngập lụt, làm hư hỏng 80 cây cầu loại nhỏ và 4 cái bị cuốn trôi…gây ách tắc giao thông tại các vị trí Km90 + Km91 bản Cạp Chạng, xã Yên Hòa, Yên Thắng, huyện Tương Dương. 

Thanh Hóa: Thiệt hại sau mưa lũ ước tính khoảng 200 tỉ đồng

Tại Thanh Hóa, lượng mưa phổ biến từ 150 – 250mm, một số nơi mưa trên 250mm như Tĩnh Gia 677 mm; Sầm Sơn 442 mm; Tp.Thanh Hóa 395 mm…Mưa lớn đã gây tình trạng ngập lụt trên diện rộng tại một số huyện của tỉnh Thanh Hóa.

Tại huyện Nông Cống mưa lớn đã khiến 350 hộ dân bị cô lập hoàn toàn, nhấn chìm hơn 1.200 ha lúa mùa đang vào kỳ trổ bông. Nặng nhất là tại các xã như: Tượng Sơn, Vạn Thiện, Công Chính, Công Liêm, Thăng Bình… Chỉ tính riêng thiệt hại về lúa đã lên tới gần 40 tỉ đồng.

Người dân phải dùng phương tiện trung chuyển để đưa xe máy qua đoạn ngập lụt (Ảnh: Dân trí)

Tại huyện Tĩnh Gia, mực nước tại hồ thủy lợi Hao Hao đã vượt qua mức tràn tới 1,5 - 2m, nước tràn ra gây ngập úng nặng nề cho các xã: Các Sơn, Anh Sơn, Hùng Sơn.

Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Thanh Hóa, tính đến 17h chiều 11/9, toàn tỉnh đã có hàng trăm ngôi nhà bị ngập, hàng chục nghìn ha lúa màu chìm trong biển nước, trong đó có tới 5.776 ha lúa mùa bị ngập nặng có khả năng mất trắng; gần 900 ha ngô, lạc bị ngập, hư hại, hơn 112 ha mía bị ngã đổ, gần 300ha hoa màu các loại bị ngập úng. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn 57,6 ha. Đặc biệt có 6 hồ đập bị tràn; hơn 7.500 m3 đê điều bị sạt lở; hàng ngàn m3 đất đá trên các tuyến giao thông nông thôn bị cuốn trôi… Ước tính thiệt hại lên tới trên 200 tỉ đồng. 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, các tỉnh miền trung từ Thanh Hóa trở vào sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to trong vài ngày tới. Lũ trên các sông tiếp tục lên, trưa 12/9, mực nước sông Cả tại Dừa có khả năng lên mức 22,5 m (báo động 2); đêm 12/9 mực nước tại Nam Đàn lên mức 6,9m (báo động 2). Phần lớn các hồ chứa đã đạt mực nước bình thường, một số hồ xả tràn.

Để chủ động các biện pháp phòng chống mưa, lũ đảm bảo an toàn tính mạng tài sản của Nhà nước, nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An:

1. Triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác theo quy định, đảm bảo an toàn tuyệt đối hệ thống đê điều, đặc biệt đối với các khu vực trọng điểm.

2. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.

3. Khẩn trương và bằng các biện pháp có thể để tiêu úng cho lúa và hoa màu nhằm giảm thiệt hại do ngập úng gây ra.

4. Kiểm tra các công trình đang thi công; rà soát lực lượng, vật tư, phương tiện dự trữ để sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời với các sự cố do mưa lũ gây ra.

5. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thực hiện vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý kịp thời các sự cố đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình.

6. Duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu.

7. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng chống lũ, nắm vững thông tin và báo cáo về Ban Chỉ đạp phòng chống lụt bão Trung ương và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn