"Mua bán nợ xấu theo "giá trị trường", không khéo lại… hợp thức hóa cho sai phạm"

ANTD.VN - Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu chiều nay, 26-5, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) lo ngại quy định “mua bán nợ xấu theo giá thị trường” có thể sẽ bị lợi dụng, đem lại lợi ích nhóm.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm băn khoăn với tính khả thi của dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu

Các ĐBQH đoàn TP HCM đều chung quan điểm cho rằng, việc Quốc hội ban hành một Nghị quyết về xử lý nợ xấu là rất cần thiết vì dù đã làm quyết liệt trong 5 năm qua, chúng ta mới chỉ giải quyết được khoảng 50% nợ xấu. Hiện còn khoảng 400.000 tỷ đồng nợ xấu nữa và đây là những khoản rất khó giải quyết bởi theo các ĐBQH,  “khoản nào giải quyết được, ngân hàng đã xử lý hết rồi”.

Đặc biệt, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM rất băn khoăn với tính khả thi của dự thảo Nghị quyết này, nhất là quy định về việc mua bán nợ xấu “theo giá thị trường”. Lý do vì ngay tài sản thế chấp cho các khoản nợ xấu liệu có còn hay không, giá trị thực sự còn bao nhiêu... là cả một vấn đề. Đây cũng là vướng mắc lớn nhất khiến việc thu hồi nợ xấu rất khó khăn.

“Chúng tôi đi giám sát, có phản ánh chủ dự án đi vay ngân hàng để làm dự án, lấy sổ đỏ của dự án đó thế chấp ngân hàng, giờ nợ ngân hàng không trả được. Thế nhưng ngân hàng cũng không xử lý khoản nợ xấu này được bởi đất dự án của họ đã chia ra bán cho dân ở hết rồi. Giờ sổ đỏ của dân nằm trong dự án cũng không làm được, tức là còn tài sản thế chấp nhưng không xử lý được’ – ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn chứng. Bản thân các ngân hàng không xử lý được khoản nợ xấu này, giờ dự thảo Nghị quyết lại dùng từ mua bán nợ xấu “theo giá thị trường” thì khó khả thi bởi nếu làm được thì ngân hàng đã tự làm rồi.

“Chính phủ, các cơ quan liên quan cần làm rõ khái niệm mua bán nợ xấu theo giá thị trường. Liệu có làm được không? Ai định giá thị trường, liệu có thao túng không? Thực tế công tác bán đấu giá, đấu thầu tài sản của chúng ta thời gian qua có rất nhiều vấn đề…

Nếu không làm tốt việc này thì rất có thể sẽ bị lợi dụng, đem lại lợi ích cho một nhóm nào đó, không khéo còn hợp thức hóa các sai phạm và khoản nợ xấu đó không ai chịu trách nhiệm. Như vậy, sẽ làm méo mó mục đích mà dự thảo Nghị quyết đề ra” – ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm lo ngại.