Một vốn hàng trăm lời

ANTĐ - Trước năm 1991, hầu hết các phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của nước ta đều do Liên Xô (cũ) và các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa viện trợ. Các phương tiện này giờ đã trở nên lạc hậu, hỏng hóc, hiệu quả sử dụng rất thấp. 

Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC và CHCN) đã được đầu tư trang bị thêm trang thiết bị phục vụ công tác. Tuy nhiên, các trang thiết bị này vẫn chưa đủ cả về chất và lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu PCCC và CHCN trong tình hình mới. 

Theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CHCN (Bộ Công an), trung bình mỗi năm trên toàn quốc xảy ra trên 2.000 vụ cháy, làm chết gần 100 người, bị thương gần 200 người, thiệt hại về tài sản hàng trăm tỷ đồng. Do các phương tiện chữa cháy phải mua với giá rất đắt (xe chữa cháy do các nước Tây Âu sản xuất giá khoảng gần 4 tỷ đồng/xe, 1 xe của Thái Lan hoặc Hàn Quốc cũng trên 2 tỷ đồng, 1 xe thang chữa cháy khoảng 11 tỷ đồng, nếu là tàu chữa cháy chuyên dụng còn đắt hơn nữa) nên rất khó khăn cho việc trang bị. Các xe đã mua khi bị hỏng hóc thì thiết bị thay thế cũng không rẻ. Quần áo bảo hộ, mặt nạ chống khói độc, bình ô xy… cho chiến sỹ PCCC và các loại chất dùng chữa cháy như bọt xịt cũng rất đắt. Nhiều đơn vị vẫn phải dùng xe chữa cháy loại Zin 130, Zin 131 đã rất cũ kỹ và lạc hậu vào ứng trực chiến đấu. Các xe này dung lượng chứa nước ít, khả năng cơ động kém, hay xảy ra sự cố nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả xử lý tình huống.

Phương tiện CHCN cũng rất thiếu như các máy dò, máy định vị, máy khoan cắt bê tông và cắt sắt. Vì vậy, khi xảy ra những tình huống phức tạp lực lượng cảnh sát gặp không ít khó khăn và quá trình cứu nạn, cứu hộ bị chậm trễ, dẫn đến những hậu quả rất lớn, gây bức xúc trong nhân dân. Đơn cử như vụ nổ bình khí gas xảy ra rạng sáng 3-11 tại một gia đình ở ngõ 22, đường Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) đã phá huỷ toàn bộ ngôi nhà, làm chết hai người và bị thương hai người. Trong quá trình cứu hộ, cứu nạn, lực lượng của Sở Cảnh sát PCCC và CHCN Hà Nội đã rất khẩn trương và nỗ lực nhưng vẫn có một số hạn chế, trong đó nguyên nhân chủ yếu là việc thiếu các trang thiết bị cần thiết cho việc CHCN. Không chỉ thiếu trang thiết bị trong thực tiễn chiến đấu mà trang bị phục vụ giảng dạy PCCC và CHCN cũng còn thiếu và yếu. Điều này dẫn đến hệ quả là cán bộ PCCC và CHCN không được trang bị đầy đủ kỹ năng thực hành trên trang thiết bị nên có thể gặp lúng túng khi ra công tác. 

Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, xã hội đã đặt ra những yêu cầu mới và rất cao đối với công tác PCCC và CHCN. Để đáp ứng yêu cầu này thì việc trang bị cả về chất và lượng các phương tiện là tất yếu. Những chiếc thang chuyên dụng cao hơn, hiện đại hơn cần thiết để xử lý sự cố đối với những toà nhà cao ốc gần 100 tầng, cao 300 - 400m. Những tình huống PCCC và CHCN phức tạp hơn đối với các công trình lớn, các khu vực với địa hình đa dạng cũng đòi hỏi những trang thiết bị và công nghệ mới, tiên tiến. Các chuyên gia PCCC và CHCN trên thế giới đã khẳng định, một đồng vốn đầu tư ban đầu cho trang thiết bị PCCC và CHCN có thể giúp tránh được những thiệt hại về người vô giá và giảm thiệt hại không nhỏ về vật chất khi xảy ra sự cố.