6.200 người nhập viện vì đánh nhau trong dịp Tết:

Một phút thiếu kiềm chế, nhiều hậu quả đau lòng

ANTĐ - Con đánh bố ruột, anh chị em chém nhau, bạn bè thân thiết đâm nhau… khiến hàng nghìn người phải vào cấp cứu tại các bệnh viện trong dịp Tết vừa qua. Chúng tôi đã tìm gặp một số nạn nhân cũng như các y bác sĩ điều trị cho họ để lý giải thực trạng đau lòng này.

Một phút thiếu kiềm chế, nhiều hậu quả đau lòng ảnh 1Dịp Tết này Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận rất nhiều ca vào cấp cứu vì đánh nhau

Nhiều câu chuyện rơi nước mắt

Trong 9 ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận cấp cứu rất nhiều bệnh nhân bị chấn thương, gồm cả những trường hợp do nguyên nhân đánh nhau, đâm chém nhau. Hầu như ngày nào cũng có các trường hợp vào Khoa Cấp cứu vì đánh nhau, đông nhất là ngày mùng 2 và 4 Tết, với đủ loại đối tượng, thành phần, lứa tuổi. Hiện tại, còn khá nhiều ca chấn thương nặng vẫn đang phải điều trị.

Tại Khoa Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực - Bệnh viện Việt Đức chiều 25-2, vẫn còn 2 ca chấn thương nặng. Trường hợp đầu tiên là em Nguyễn Văn H. (15 tuổi, ở Tân Yên, Bắc Giang), nhập viện từ ngày 28 Tết với chấn thương do bị vật nhọn đâm sau lưng, xuyên vào phổi gây tràn dịch phổi. Bỏ cả Tết để xuống bệnh viện túc trực trông nom, chăm sóc đứa con trai đầu lòng suốt 10 ngày qua, mẹ bệnh nhân rơm rớm nước mắt kể, H. là một cậu bé ngoan ngoãn, không hề có hiềm khích với ai. Mấy ngày cuối năm, được nghỉ học, H. lên mạng làm quen, nhắn tin qua lại với cô bạn gái ở xã bên cạnh. Sau đó, một cậu thanh niên lạ mặt, có lẽ là bạn trai của cô gái kia tìm đến và đâm trộm vào sau lưng H. khiến máu chảy ồ ạt. “Gia đình vội đưa nó đến Bệnh viện huyện Tân Yên cấp cứu rồi chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức từ 28 Tết đến nay, chưa biết bao giờ mới được xuất viện” - mẹ Nguyễn Văn H. kể.

Đau lòng hơn là tình cảnh của ông Đỗ Ngọc Ch. (62 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang), nhập viện ngày mùng 3 Tết trong tình trạng nguy kịch vì bị chính con trai  đâm. Gia đình ông Ch. có 5 người con trai, ông ở với người con trai thứ tư. Anh này nghiện cờ bạc nên kinh tế gia đình khó khăn, vợ làm công nhân tiết kiệm mãi mới mua được một chiếc xe máy để đi lại trong ngày Tết. Trưa mùng 2 Tết, anh con trai đi đánh bạc về, hết tiền, định mang chiếc xe máy mới đi cầm đồ, ông Ch. cố giữ lại, trong lúc tức giận anh con trai đã phóng thanh sà beng to bằng ngón chân cái về phía bố mình. Ông Ch. phản xạ tóm được tay vào thanh sắt nhưng do lực đi mạnh nên nó đã đâm xuyên qua miệng ông, đi qua thành cổ xuống phía bả vai, làm gãy 4 răng trái, xuyên thủng qua thành hàm, thủng khí quản, thực quản. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện tỉnh cấp cứu rồi chuyển xuống Việt Đức. 

Điều dưỡng trưởng khoa Tim mạch lồng ngực Nguyễn Xuân Vinh cho biết, khi vào bệnh viện, bệnh nhân Đỗ Ngọc Ch. được mổ lại, đặt ống thở khí quản, hiện đã qua cơn nguy kịch song vẫn phải theo dõi, ăn xông. Điều may mắn là thanh sắt đi xuyên qua miệng nhưng không đúng động mạch nên còn cứu chữa được… Cũng theo điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh, Tết năm nào bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp thương tâm như vậy, phổ biến nhất là thanh niên lứa tuổi 16-20, đa số ở vùng nông thôn, các tỉnh lân cận Hà Nội chuyển về.

Muôn vàn lý do

Tại Bệnh viện Xanh Pôn, nếu như Tết năm ngoái chỉ có 7-8 ca cấp cứu vì đánh nhau thì năm nay, con số tăng lên đến 19 ca. Thống kê từ Phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện cho thấy, ngày có nhiều bệnh nhân đánh nhau nhập viện nhất là 30 và mùng 4 Tết, mỗi ngày 4 ca. Trực tiếp tham gia cấp cứu cho nhiều nạn nhân, bác sĩ Nguyễn Lê Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu ngoại - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, tuy tổng số vào cấp cứu vì đánh nhau tại bệnh viện trong dịp Tết tăng mạnh song may mắn đa số chỉ bị chấn thương nhẹ, được cấp cứu, sơ cấp cứu rồi cho ngoại trú. Nặng nhất là một trường hợp nam thanh niên nhập viện hôm mùng 4 Tết vì bị bạn bè chém do mâu thuẫn sau khi uống rượu. Vết chém ăn sâu vào bả vai, vùng thắt lưng, chảy máu ồ ạt gây sốc mất máu, hiện bệnh nhân vẫn đang phải nằm điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình.

Nguyên nhân dẫn đến đánh nhau, đâm chém nhau phải nhập viện rất đa dạng. Bác sĩ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, phổ biến nhất là những trường hợp đánh nhau trong lúc có men rượu, vì mâu thuẫn do yêu đương, vì xô xát khi va chạm giao thông, vui chơi hội hè, cũng có những vụ “thanh toán” nhau vì nợ nần… Đa số chỉ vì một phút nông nổi, nóng giận, thiếu kiềm chế, hoặc đôi khi chỉ vì chút sĩ diện mà gây ra những hậu quả đau xót. “Kinh nghiệm mọi năm cho thấy, tình trạng này còn tiếp tục xảy ra và có xu hướng gia tăng trong tháng Giêng vì đang là mùa lễ hội, vui xuân. Hơn nữa, đa số ca đánh nhau, đâm chém nhau xảy ra ở các vùng nông thôn, đối tượng là những thanh niên trẻ nên cần cảnh báo mạnh mẽ thực trạng này trong thời gian tới” - bác sĩ Hoàng phân tích.