Một lần làm “phóng viên” cho trung tâm thẩm mỹ

ANTĐ - Trong cuộc sống hiện đại, nhu cầu làm đẹp của các chị em ngày một nhiều hơn. Không chỉ dừng ở trang phục, kiểu tóc hay trang điểm, phẫu thuật thẩm mỹ được tìm đến như một giải pháp “tận gốc” để mang lại vẻ đẹp “lâu bền”. Tiếc thay, không phải cơ sở, trung tâm thẩm mỹ nào cũng đáp ứng được chất lượng, trong khi những lời lẽ mời mọc thì... khó ai có thể chối từ.

 
Một lần làm “phóng viên” cho trung tâm thẩm mỹ  ảnh 1
 Những kiểu quảng cáo ấn tượng, bắt mắt của các spa dễ lôi cuốn khách hàng (ảnh minh họa)

Nghề sáng tác cho spa

Trong vai một người cung cấp dịch vụ viết chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp, tôi đã tiếp cận một spa lớn ở Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ngồi tiếp tôi, nữ giám đốc truyền thông có ngoại hình phúc hậu (hay nói chính xác là thừa cân) lắng nghe chăm chú về thông tin dịch vụ. Dù làm ở spa song vị quản lý này không có vẻ gì là quan tâm tới chuyện làm đẹp cho bản thân, mái tóc buộc đơn giản, khuôn mặt dậm tí phấn có vẻ không ăn nhập với đôi môi còn dính vết giấy ăn buổi sáng. 

Điều may mắn là khi nghe về dịch vụ của tôi, chị ta tỏ ra rất quan tâm. Sau khi xem xét, chị đồng ý sử dụng dịch vụ bởi nhân viên chuyên viết bài của spa đang nghỉ đẻ. Tất nhiên, đi kèm với đó phải có “thử thách”, đó là tôi phải viết một bài để phía spa tham khảo xem có “hợp gu” hay không. Nếu đạt thì tôi sẽ viết 2 bài mỗi tuần, “nhuận bút” mỗi bài là 200.000 đồng. 

“Em viết thế nào cũng được, miễn là đáp ứng 3 tiêu chí gồm: đưa được thông tin tư vấn của spa, chèn địa chỉ của spa và quan trọng nữa là câu chuyện em sáng tác phải nghe càng thực, càng độc đáo để tạo ấn tượng thì càng tốt”, nữ giám đốc truyền thông nhấn mạnh yêu cầu với tôi trước khi ra về.

Sau khi vạch đề cương, tôi bắt tay vào viết ngay, và tự tin về một câu chuyện thú vị: Một cô gái xinh xắn làm văn phòng, quan tâm tới chuyện làm đẹp, thường hay tìm hiểu thông tin làm đẹp tự nhiên, ít gây hại (trào lưu “phổ biến” của các bạn nữ hiện nay). Những liệu pháp thiên nhiên gồm có xyz (chèn thông tin này vào chắc chắn sẽ khiến độc giả bỏ qua suy nghĩ đây là một bài PR). Tuy nhiên, khi điều kiện môi trường tác động mạnh, những liệu pháp thiên nhiên không đáp ứng được, cô phải nghĩ tới việc dùng liệu pháp “mạnh” hơn, từ đó, cô tìm kiếm các spa uy tín và thấy nhiều người khen spa X (chính là spa mà tôi nhận “đặt hàng”). Khi dùng thử dịch vụ tại đó thì cô thấy hài lòng, vì kết quả ngoài sự mong đợi...

Hoàn thành bài viết, tôi gửi tới nữ giám đốc truyền thông rồi hồi hộp chờ đợi. Chỉ 2 ngày sau, bài của tôi đã xuất hiện trên một tờ báo mạng có lượng độc giả đông đảo. Nội dung được giữ gần như nguyên gốc, chỉ có phần dịch vụ spa thì được bổ sung những chi tiết cho cụ thể và... câu kéo hơn. Sau này tôi được biết, việc đăng bài này được spa thỏa thuận với các trang thông tin điện tử hay báo mạng, với mức chi phí không hề nhỏ.

Sau bài “thử việc”, tôi được ký hợp đồng cộng tác và cứ đều đặn mỗi tuần 2 bài, tôi trở thành cây viết nội dung quảng bá chủ lực của trung tâm thẩm mỹ nói trên. Cách làm rất đơn giản: Không cần gặp trực tiếp “tổng biên tập” duyệt bài (chính là vị nữ giám đốc truyền thông) mà chỉ nhận tài liệu về các loại hình dịch vụ thẩm mỹ của spa, rồi vận dụng sự sáng tạo của mình để... sáng tác những bài với 3 tiêu chí đã nêu. Tất nhiên, cái khó lớn nhất là phải thể hiện sao cho độc đáo, không thể lặp đi lặp lại một “cốt truyện”. Cứ thế, qua một vài tuần, tôi cảm thấy trung tâm thẩm mỹ mà mình cộng tác chẳng khác gì... tòa soạn, và đương nhiên, những khách hàng có nhu cầu làm phẫu thuật thẩm mỹ sẽ dễ dàng “tin sái cổ” với loạt thông tin nghe chừng rất khách quan và chuyên nghiệp trên những trang báo mạng có uy tín và qua cả website chính thức của spa.

Quảng cáo khác xa thực tế

Thường trao đổi qua email, nhưng tới một hôm, chị giám đốc truyền thông gọi tôi đến để bàn cụ thể một việc. Lần gặp này, nữ quản lý truyền thông thậm chí không buồn trang điểm, để lộ ra khuôn mặt rỗ và làn da thô ráp. Theo yêu cầu của spa, tôi cần đẩy mạnh viết về mảng dịch vụ hút mỡ/giảm béo và làm se khít lỗ chân lông. “Chị ngót nghét 1 tạ và chắc chắn cần làm se khít lỗ chân lông, vậy mà không dùng dịch vụ “cây nhà lá vườn”, lại chỉ đi quảng bá hết lời về nó”, tôi thầm nghĩ trong khi cố gắng tập trung vào nội dung trao đổi. Tuy nhiên khi tôi đề đạt muốn gặp khách hàng của spa để thực hiện bài phỏng vấn hay trao đổi nhằm có thêm chi tiết thực, thì chỉ nhận được cái lắc đầu của nữ giám đốc truyền thông, với lý do “em hoàn toàn có thể vẽ ra hình tượng được mà”. Có vẻ như spa không thực sự yên tâm để một người “làm báo” gặp khách hàng của họ, thay cho những tư vấn viên vốn được đào tạo kỹ lưỡng để thuyết phục hết lời về các loại hình thẩm mỹ.

Sau một thời gian cộng tác và tìm hiểu thực tế tại spa kể trên, tôi quyết định nói lời chia tay với lý do vừa nhận công việc mới và phải đầu tư nhiều thời gian.

Đúng là lĩnh vực nào cũng cần quảng cáo, nhưng khi quảng cáo quá xa so với thực tế thì có lẽ đó lại là sự vô đạo đức, khiến người tiêu dùng phải căng mình để vận dụng “sự thông minh” luôn được khuyến cáo khi sử dụng dịch vụ hay mua sắm.

Một điều khá đơn giản mà tôi rút ra là nhiều khách hàng vẫn đang rất cả tin vào những lời lẽ “đường mật”, hoa mỹ mà phía các trung tâm thẩm mỹ đưa ra. Trong khi đó, việc đơn giản và an toàn hơn rất nhiều mà các khách hàng không để ý là… hỏi xem chứng nhận tay nghề của người trực tiếp phẫu thuật hay làm thủ thuật cho mình, cũng như giấy phép cấp cho cơ sở đó, để tránh không trở thành nạn nhân bất đắc dĩ.