Một lần cùng ngư dân bám biển mưu sinh

ANTĐ - Xuất phát từ Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), sau 7 ngày lênh đênh trên biển rồi cập bến tại Cửa Việt (Quảng Trị), tôi hiểu được phần nào nỗi cực nhọc của những ngư dân. Biết là khó khăn và nguy hiểm, nhưng vì cuộc mưu sinh và nặng lòng với mẹ biển, những ngư dân vẫn kiên trì bám nghề, bám biển.

Ra khơi

Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được một chủ tàu cho đi cùng. Lý do mà những ngư dân không muốn cho tôi đi là vì sợ tôi say sóng. Đi trên biển không phải như trên đất liền, nếu ai bị say sóng quá, nguy hiểm đến tính mạng thì chủ tàu phải cho tàu chở vào bờ, khi đó vừa lỡ chuyến đi, vừa tốn hàng chục triệu đồng tiền dầu. Chính vì thế mà tôi được bố trí đi trên một chuyến tàu gõ (tàu thu mua hải sản ngoài khơi) của anh Nguyễn Sang cho quen mùi sóng trước khi lên tàu đánh cá.

Anh Sang dặn dò những việc kiêng cữ khi lên tàu cá: không được huýt sáo, không được la hét, không được đánh nhau, chửi nhau; không được tự ý chụp ảnh khi chủ tàu chưa cho phép; không được làm vật dụng như dao, thìa rơi xuống biển. Thêm nữa, lúc đi đứng trên tàu phải cẩn thận vì nếu rơi xuống biển, trúng dòng nước xoáy là coi như mất mạng. Rồi anh lưu ý đặc biệt: khi viết báo không nên nêu đích danh số hiệu của con tàu vì như thế sau này con tàu đó làm ăn không được may mắn. Anh Sang còn chia sẻ kinh nghiệm là khi say sóng cứ đọc nhẩm trong đầu “bảy sáu bốn không” là sẽ đỡ hơn.

Dặn dò đâu đấy, anh Sang “trích” sơ cái khó của công việc: “Khó khăn lắm chú. Mực cá ngày càng ít nên ngư dân đánh không được mấy, thành ra công việc thu mua của mình cũng khó. Mình chỉ mong Nhà nước hỗ trợ để đóng con tàu lớn hơn mà chở dầu chở đá ra cho bà con ngư dân ngoài xa, chứ tàu nhỏ thế này chỉ ra được trăm hải lý thôi”.

Tàu thả phao, bung dù để bắt đầu một đêm đánh bắt

 Tàu thả phao, bung dù để bắt đầu một đêm đánh bắt

Sau 6 giờ đi tàu gõ, xem chừng đã quen “mùi” biển, tôi tạm biệt anh Sang để lên tàu đánh cá của anh Nguyễn Văn Hùng, đang đánh bắt cách bờ Đà Nẵng khoảng hơn 40 hải lý. Lên tàu cá, những đợt sóng cao 2m đánh liên tục làm con tàu nhồi lắc và tôi bắt đầu say sóng. Vài đợt nôn ra cả nước xanh nước vàng, đầu tôi bắt đầu quay cuồng và tôi thiếp đi. Sau một đêm một ngày tôi mới bắt đầu quen với sóng để tập làm một “ngư dân” trên tàu anh Hùng.

Sản phẩm ít ỏi của một lần chụp lưới

 Sản phẩm ít ỏi của một lần chụp lưới

Chơi “số đề” với biển

Tàu đánh cá của anh Hùng thuộc loại tàu vừa, đánh bắt bằng nghề chụp lưới và câu. Vì đánh cá bằng đèn nên phải ngủ ngày và làm đêm. Ăn cơm tối xong, khi nắng chiều vừa tắt, tàu nổ máy, thu neo, thả dù và bật đèn để bắt đầu công việc đánh bắt. 20 cái đèn ngàn oát chiếu sáng một vùng biển sẽ dụ lũ cá, mực đến. Những ngư dân trên tàu tất bật chuẩn bị để thả câu. Họ câu cá hố, một loại cá thân dài, dẹt sống gần dưới đáy biển có giá bán 80-120 ngàn đồng/kg. Cá này chủ yếu là xuất khẩu. Nhưng đêm nay công việc có vẻ không may mắn lắm.

Kéo lưới lên tàu

 Kéo lưới lên tàu

Đã hơn 2 giờ sáng nhưng chỉ mới câu được vài con cá hố mà chưa chụp được mẻ lưới nào, tôi bắt đầu thấy sốt ruột. Vậy nhưng, anh Hùng vẫn tỏ ra bình thản. “Nghề biển như là chơi số đề vậy, đêm trúng thì có hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng, còn nếu không thì lỗ mỗi đêm 5 triệu đồng tiền dầu, rứa đó”. Thì ra, nếu như trúng luồng cá thì mới “chụp” được, còn không trúng thì coi như bỏ không một đêm. Đêm nay tàu anh Hùng chỉ đánh được vài cân cá nục, ít con cá hố, đủ cho bữa ăn của ngày hôm sau.

Tôi đã ra nơi vùng biển mà cơn bão Chanchu 2006 quét qua làm chết hàng trăm ngư dân, để chứng kiến nỗi khổ của những ngư dân câu mực. Và lúc trở về lại gặp gió lớn và biển động dữ dội do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đó là những thời khắc không bao giờ quên trong đời.

Trời hửng sáng, tắt máy, trong khi chờ bữa ăn sáng, anh Hùng tâm sự giọng buồn buồn: Trước đây đánh bắt còn dễ, nhưng bây giờ cá, mực ngày càng hiếm. Muốn ra khơi xa nhưng tiền đâu mà đóng tàu lớn. Một con tàu đóng mới để đánh bắt xa bờ, bây giờ ít nhất cũng phải tỷ rưỡi chứ không ít. Mà đánh gần bờ thế này thì lại không có ăn, đã 4 đêm rồi đánh không được gì, lỗ gần 20 “chai”, đó là chưa kể tiền công, tiền ăn uống.

“Nghề biển phải làm được theo mùa. Mùa biển lặng thì không nói chứ kể từ tháng 9 âm trở đi vào mùa mưa bão làm ăn khó khăn hơn nhiều. Mùa bão, mỗi lần ra khơi là ngư dân lại đánh cược tính mạng của mình với biển cả. Trong 18 năm đi biển, tôi suýt về với mẹ biển 2 lần rồi. Biển đang yên thế này chứ nổi gió nhanh lắm, có khi chạy không kịp. Một lần tàu gặp lốc, còn một lần tàu bị chết máy trong khi mắc gió mùa biển động mạnh” - anh Hùng cho biết.

Khi hỏi tại sao không kiếm nghề khác làm ăn, anh Hùng dứt khoát: “Bỏ làm sao được, gần 20 năm đi biển, mùi biển đã ngấm vào máu thịt rồi, với lại ai cũng thấy khổ mà bỏ thì...”.

Đêm tiếp sau, tàu anh Hùng làm trúng, câu được hơn 2 tạ cá hố và “chụp” được vài tạ cá nục. Dù còn chưa có lãi, nhưng như thế cũng đủ để bù lại tiền dầu mấy đêm trước. Và cũng ngày hôm đó tôi xin được một tàu gõ khác nên tạm biệt anh Hùng để ra khơi, gần với Trường Sa theo một tàu câu mực...

Kỳ sau: Mong manh những chuyến mưu sinh giữa biển