Moscow: Rất khó để làm “tỉnh lại” mối quan hệ giữa Nga và NATO

ANTĐ - Ngày 9-10, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, sẽ vô cùng khó khăn để làm “tỉnh” lại mối quan hệ giữa Nga và NATO, mối quan hệ song phương này đang ngày càng trở nên xấu đi trong năm nay. 

Trao đổi trong một cuộc họp báo tại Moscow, phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Nga,  Alexander Lukashevich phát biểu: “Bầu không khí của hợp tác song phương được cả NATO và Nga tôn trọng trong một thời gian dài đã “tiêu tan” trong chớp  mắt. Sẽ vô cùng khó khăn để làm sống lại bầu không khí này, để hồi sinh các cuộc đối thoại giữa 2 bên”.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở xứ Wales, ông Lukashevich nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa bao giờ coi NATO là kẻ thù, nhưng liên minh này đã liên tục cáo buộc và coi Moscow là mối đe dọa đối với an ninh của các nước thành viên cũng như là trên thế giới”. Nga sẽ có lập trường riêng trong việc xem xét, sửa đổi các kế hoạch quân sự của mình.

Quan hệ giữa Nga và NATO đã trở nên căng thẳng kể từ khi liên minh cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình Ukraine bất chấp việc nước này đã nhiều lần phủ nhận. Bên cạnh đó, sau khi Crime sáp nhập với Nga vào tháng 3-2014, NATO đã tăng cường sự hiện diện quân sự gần biên giới Nga đặc biệt là ở Ba Lan và các nước Baltic thuộc Liên Xô cũ, bao gồm Latvia, Lithuania và Estonia.

Tân Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo ở trụ sử chính tại Brussels

Trong khi trước đó vào hôm 6-10, Tổng thư ký mới của NATO, Jens Stoltenberg trong chuyến thăm Ba Lan đã cho biết, NATO vẫn sẽ tôn trọng các cam kết quốc tế của mình, trong đó bao gồm một thỏa thuận với Moscow, sau Chiến tranh Lạnh cam kết không triển khai quân sự phương Tây tại các nước cựu thành viên Liên Xô.

Ông Stoltenberg nói rằng: “Không có gì mâu thuẫn giữa đảm bảo sức mạnh của NATO và việc tạo dựng mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga”.

Tân Tổng thư ký cũng giải thích rằng, việc NATO thông qua một kế hoạch để tạo ra một lực lượng phản ứng "mũi nhọn" phản ứng nhanh và chuẩn bị trước vị trí đóng quân, trang thiết bị ở các nước Đông Âu để họ có thể được tác chiến trong trường hợp khủng hoảng, chỉ nhằm mục đích “trấn an” các đồng minh gần biên giới của Nga.

Tổng thư ký Stoltenberg xác nhận, mặc dù đã đóng băng tất cả hợp tác với Nga trong tháng 4 vừa qua để phản đối việc Nga sáp nhập Crimea, nhưng NATO vẫn kiên quyết không can thiệp quân sự ở Ukraine, do quốc gia Đông Âu không phải là một thành viên của liên minh.