Mong trời đừng mưa

ANTĐ - Sáng rõ rồi mà trời vẫn mưa. Mưa từ đêm, lai rai, rả rích rồi ào ào. Đường ngập nước.

Bố đưa tôi đi học. Còn sớm, bố cho tôi vào ăn phở. Bố không ăn, ngồi nhìn tôi, nhìn trời rồi bố chậm rãi nói:

- Con này, chiều nay tan học, con tự về hoặc về cùng với bạn, đi cẩn thận. Bố lên cơ quan, gọi điện cho ông dặn không phải đón con nữa. Ông già rồi, đi lại chậm chạp, mắt lại kém, nhỡ vấp ngã thì khốn.

Tôi vâng và nói:

- Bố gọi điện ngay cho ông đi, nhưng con chắc, ông vẫn đi đón con đấy.

Ông tôi thời trẻ là bộ đội pháo binh. Độ tôi học mẫu giáo, ông đã về hưu. Khi đưa tôi đi học, ông toàn cõng. Trước khi đến trường, ông cho tôi ra hàng cô bán xôi vò, chè đường, trứng vịt lộn. Tôi ăn, ông chỉ ngồi cạnh.

Có lần trên đường về, ông nói: “Con có biết, ông sợ nhất là gì không? Là nằm một chỗ. Nghĩa là ngã gãy xương, tai biến đột quỵ”. Ông hài hước: “Lúc ấy thì thôi rồi, Lượm ơi!” và “Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu?”.

Biết tôi khá môn văn, nên ông nói năng văn vẻ. Ông bảo: “Người già như trái chín cây, như ngọn đèn trước gió. Đó là quy luật, nhưng ông sẽ sống khỏe, không là dư thừa, không là phế nhân”.

Tôi hiểu, ông đón tôi là đi lại cho khỏe người, cho máu huyết lưu thông, cho bố mẹ tôi đỡ vất vả, yên tâm làm việc. Ông còn tham gia công tác khu phố. Ông bảo: “Tiếp xúc với mọi người, đầu óc minh mẫn, không trầm cảm”.

Tôi đã lớn. Tôi có thể đi, về một mình, nhưng vì nhiều lẽ , ông vẫn cứ đi đón tôi.

Tôi nhìn ra ngoài kia, tôi thầm mong, trời chóng tạnh, đường khô ráo…

Trong tâm khảm của tôi, ông mãi mãi là “cây tùng, cây bách”.