Môn Sử vẫn có sức hấp dẫn

ANTĐ - Ngày 10-1 Hội Những người đồng ý đổi mới phương pháp học lịch sử-Dương Tố Đào đã chính thức gia nhập cộng đồng qua Facebook, hiệu ứng từ trăm nghìn lượt truy cập vào clip “Việt Nam, hình hài một chữ S”. Điều này một lần nữa cho thấy trái ngược với xu hướng thờ ơ với môn Lịch sử trong trường học, giới trẻ rất quan tâm và mong chờ cách tiếp cận mới với kho dữ liệu về lịch sử dân tộc Việt.

“12 năm học sử không bằng 10 phút xem clip”

Đây là lời chia sẻ của một trong những người được xem clip “Việt Nam, hình hài một chữ S” với tác giả Dương Tố Đào, ĐH Công nghệ Sài Gòn. Dành toàn bộ 3 tháng làm đồ án tốt nghiệp để tập trung vào đề tài kết hợp lịch sử Việt Nam với ngôn ngữ đồ họa infographic nói về cương vực lãnh thổ Việt Nam, Dương Tố Đào chia sẻ, đi đôi với tiến trình phát triển, thay đổi cương vực của lãnh thổ đất nước là những sự kiện, cột mốc liên quan đến nó. Từ đó người xem sẽ có một cái nhìn cơ bản về kiến thức Lịch sử Việt Nam thông qua một chuỗi xâu kết xuyên suốt đó là “cương vực lãnh thổ”. Dương Tố Đào cho biết, mong muốn khi làm đề tài này của cô là để người xem thấy được, tuy đất nước ta có diện tích nhỏ bé nhưng để có được và giữ được nó lại là cả một quá trình vô cùng gian nan, vất vả.

Hiệu quả có lẽ đã vượt quá trông đợi của Dương Tố Đào khi đồ án của cô được bảo vệ thành công và nhận được sự hưởng ứng lan truyền mạnh trên cộng đồng mạng chỉ sau 4 ngày clip được đưa lên Youtube. “12 năm mài ghế nhà trường cũng không bằng 9 phút ngồi xem clip... Tuyệt vời!!! Lịch sử dạy chúng ta cách để yêu nước, ấn tượng nhất khúc thời gian chiến tranh gần gấp đôi thời gian hòa bình và chúng ta cần phải làm gì để giữ gìn, bảo vệ và phát triển đất nước.”... liên tục các ý kiến như vậy được độc giả chia sẻ với tác giả trên trang thông tin cá nhân của Dương Tố Đào. Trong số đó, có cả ý kiến của những giáo viên chuyên môn khi khẳng định dù bản thân dạy học được 10 năm nhưng phải cố gắng học theo cách làm của tác giả để truyền tải kiến thức đến học sinh một cách đơn giản và hiệu quả hơn. 

Học Lịch sử: thích rồi lại quên ngay 

Trước sự hưởng ứng và mong muốn của nhiều bạn đọc về việc cần thiết phải có sự đổi mới phương pháp dạy và học môn Lịch sử – cô Nguyễn Ánh Vân, giáo viên dạy Lịch sử THCS ở Hà Nội khẳng định “Rõ ràng là việc áp dụng công nghệ thông tin, đưa hình ảnh vào bài giảng môn Lịch sử thường gây được nhiều hào hứng cho học sinh khi vốn dĩ môn này không được học sinh, phụ huynh coi trọng”. Tuy nhiên, cô Vân cho rằng, các bài giảng có đầu tư như vậy không thể tiến hành thường xuyên vì điều kiện cơ sở vật chất các trường học không thể đáp ứng được.

Nguyễn Hoàng Mi, học sinh chuyên Sử, trường THPT Chu Văn An cho biết, em đã xem clip này và thấy nội dung thể hiện khá hấp dẫn. “Vì là dân chuyên nên chúng em ở trường sẽ có hai chương trình song song. Một là học theo đúng chương trình sách giáo khoa phổ thông, hai là học theo các chuyên đề được soạn riêng cho khối chuyên. Điều này cho thấy sự khác biệt lớn giữa một  bên chỉ là dạy và học theo đúng sách giáo khoa và một bên là sự đầu tư công sức của thầy cô, đưa các trang thiết bị thông tin vào giáo án được soạn theo cách thức hoàn toàn khác để giúp học sinh hiểu, nhớ và yêu thích bộ môn này” - Nguyễn Hoàng Mi chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô Nguyễn Ánh Vân cho rằng, đổi mới phương pháp dạy học cũng không thể đem lại hiệu quả như mong muốn bởi theo giáo viên này, chương trình và sách giáo khoa Lịch sử dù có đổi mới nhưng vẫn chưa thực sự đem lại hứng thú cho học sinh.  Cũng chính vì vậy, việc có đưa nhiều tranh ảnh hay phim, truyện vào cho học sinh thì các em cũng chỉ hào hứng, thích thú được một thời gian rồi gần như lại mất hết kiến thức với những nội dung học như hiện tại.