Món nợ nghìn tỷ khó đòi của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở hai công ty tài chính

ANTD.VN - Theo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2015 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Kiểm toán Nhà nước thực hiện, BHXH Việt Nam còn khoản nợ khó đòi lên tới hơn 1.500 tỷ đồng ở Công ty cho thuê tài chính ALC I và Công ty cho thuê tài chính ALC II.

Món nợ hơn 1.500 tỷ đồng Công ty cho thuê tài chính ALC II đã kéo dài nhiều năm

Cụ thể, về tình hình thu nợ tại Công ty cho thuê tài chính ALC I và Công ty cho thuê tài chính ALC II, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho biết, đến 31-12-2015, BHXH Việt Nam chưa thu hồi được hết các khoản nợ gốc và lãi của Công ty cho thuê Tài chính II; chưa thu được lãi của Công ty cho thuê tài chính I (đã trả hết nợ gốc).

Cụ thể, Công ty cho thuê tài chính I trong năm 2015 chỉ trả được 1 tỷ đồng lãi vay; số lãi còn phải thu đến 31-12-2015 là hơn 26,2 tỷ đồng. Nguyên nhân chưa thu được lãi vay là do ALC I đang trong quá trình tái cơ cấu nên không có đủ nguồn thu để trả nợ lãi.

Đối với Công ty cho thuê tài chính II, đến 31-12-2015, ALC II còn nợ BHXH Việt Nam 12 hợp đồng vay vốn đã quá hạn thanh toán từ năm 2011 với số tiền 769,3 tỷ đồng. Năm 2015, ALC II không trả được lãi và tính đến 31-12-2015 (theo số báo cáo của Ban Đầu tư quỹ) số lãi phải thu lên tới trên 735,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền nợ BHXH của 2 Công ty cho thuê tài chính này lên tới trên 1.500 tỷ đồng.

Nội dung các sai phạm tại 2 đơn vị trên thực ra đã được Kiểm toán Nhà nước đề cập trong các Báo cáo kiểm toán các năm 2009, 2011, 2013 của BHXH Việt Nam. Tại báo cáo kết quả kiểm toán Quỹ Bảo hiểm y tế tại BHXH năm 2010 và năm 2012, Kiểm toán Nhà nước đã nêu: “BHXH Việt Nam cho Công ty cho thuê tài chính II - Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (ALC II) vay sai đối tượng, vượt hạn mức bảo lãnh của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, không đúng quy định về thời hạn cho vay, dẫn đến BHXH Việt Nam khó có khả năng thu hồi, nguy cơ làm tổn thất Quỹ BHXH. Đến 31-12-2011, ALC II còn nợ số gốc 787,5 tỷ đồng, nợ lãi 264,6 tỷ đồng...”.

Tuy nhiên, sự việc tới nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Do đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam và các cơ quan liên quan đôn đốc, thu hồi khoản Công ty cho thuê tài chính I, II còn nợ.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH với số lượng lớn vẫn không ngừng gia tăng. Tính đến cuối năm 2015, tổng số nợ đọng tại các địa phương là 9.920,8 tỷ đồng, tăng hơn năm 2014 cả về tỷ lệ và số tiền.

Nguyên nhân nợ đọng do rất nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không đóng BHXH. Trong khi đó, cơ quan BHXH chưa có thẩm quyền xử phạt các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH mà sau khi phát hiện chỉ dừng lại ở việc làm văn bản đề nghị các sở, ngành xử lý nên hiệu quả xử lý không cao.

Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp tự giải thể phá sản, ngừng sản xuất kinh doanh hoặc có chủ bỏ trốn nên không có khả năng thu hồi. Do đó, tình trạng thất thu các quỹ bảo hiểm không ngừng tăng.

Cùng với đó, tình trạng lạm dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT vẫn xảy ra ở các cơ sở khám, chữa bệnh; một số cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn phát sinh chi trả không đúng chế độ quy định, vẫn còn có hiện tượng lợi dụng chính sách BHYT trong khám chữa bệnh... Vai trò quản lý của cơ quan BHXH còn hạn chế trong việc kiểm soát, sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT...