"Móc xích" hàng tỷ đồng giữa Hứa Thị Phấn và Phạm Công Danh

ANTD.VN - Ngày 24-3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét nơi ở của bà Hứa Thị Phấn (tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM), nguyên cố vấn cao cấp HĐQT, thành viên Hội đồng tín dụng ngân hàng Đại Tín; đồng thời tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Hứa Thị Phấn về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 
 

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 5 người, gồm Bùi Thị Kim Loan (SN 1978), kế toán Công ty CP Phú Mỹ; Nguyễn Công Tụ, nguyên Giám đốc Công ty TrustAsset của Ngân hàng Đại Tín, hiện đã xuất cảnh sang Mỹ; Bùi Thế Nghiệp (SN 1979), nhân viên Công ty TrustAsset; Nguyễn Vĩnh Mậu (SN 1943), nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín và Lâm Kim Dũng (SN 1955), Giám đốc Công ty TNHH địa ốc Lam Giang (công ty của bà Phấn). Vì sao bà Phấn bị CQĐT khởi tố?

Trước đó, ngày 9-9-2016, tại phiên toà xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng, TAND TP.HCM phát hiện một số hành vi liên quan đến bà Hứa Thị Phấn và một số đồng phạm khác; do đó HĐXX ra quyết định khởi tố vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tại phiên toà, HĐXX nhận định thời điểm Phạm Công Danh nhận chuyển giao lại Ngân hàng Xây dựng thì ngân hàng này đang trong tình trạng vốn sở hữu bị “âm” gần 2.900 tỷ đồng. Đây là hậu quả do nhóm Công ty Phú Mỹ do bà Phấn làm đại diện và một số đồng phạm khác điều hành ngân hàng đã có dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý dẫn đến thiệt hại của Ngân hàng Đại Tín trước khi bị cáo Phạm Công Danh nhận tiếp quản ngân hàng.

Trong đó, một phần nguyên nhân dẫn đến ngân hàng bị thiệt hại là do nhóm Công ty Phú Mỹ đã sử dụng 29 cá nhân đứng tên vay tiền thế chấp tài sản có giá trị thấp hoặc không thế chấp tài sản để lấy tiền ngân hàng góp vốn cổ phần và sử dụng. 

Hành vi nêu trên của bà Hứa Thị Phấn và các đối tượng có liên quan có dấu hiệu về tội cố ý làm trái và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Từ thời điểm tháng 9-2012, sau khi tiến hành thanh tra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận phương án tái cơ cấu TrustBank theo hướng cho phép nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện nắm giữ hơn 84% cổ phần, đồng thời chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới (nhóm Thiên Thanh, đại diện là Phạm Công Danh). 

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định nhóm bà Phấn có hành vi chỉ đạo giải ngân, hạch toán thu chi khống nhiều tỷ đồng tại Trustbank (tiền thân của Ngân hàng Xây dựng) để tất toán nợ cũ của nhóm bà Phấn, nhưng lại ghi nợ cho nhóm Phương Trang gây thiệt hại cho Trustbank.

Trong đó đáng chú ý có hành vi mua, nâng giá bất động sản tại số 5 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP.HCM lên gấp 8 lần giá trị thị trường, sau đó bán cho Ngân hàng Đại Tín để rút ruột, gây thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Hứa Thị Phấn còn sử dụng trái phép số tiền lớn của Ngân hàng Đại Tín. Vụ án đang được CQĐT điều tra mở rộng.