Hai đời giám đốc đều sai phạm gây thiệt hại cho Nhà nước 39 tỉ đồng

ANTD.VN - Chiều ngày 14-3, TAND TP.HCM tiến hành xét xử sơ thẩm (lần 2) vụ sai phạm xảy ra tại Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Công ty Cofidec), Tòa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Xuân (nguyên quyền Giám đốc Cty Cofidec từ năm 2006) 5 năm tù về 2 tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Liên quan trong vụ án, Tòa còn tuyên phạt 3 bị cáo:  Võ Huệ Trân (nguyên Giám đốc từ năm 1987 đến năm 2006) 3 năm tù; Đặng Hữu Thịnh (nguyên Trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu) 2 năm 6 tháng tù (cho hưởng án treo) và Ngô Ngọc Sơn (nguyên phó Trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu) 2 năm 5 tháng 3 ngày tù cùng phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nguyên lãnh đạo Công ty Cofidec tại tòa

Đây là vụ án kinh tế đã được đưa ra xét xử sơ thẩm (lần 1) vào ngày 5-9-2012, các bị cáo Nguyễn Thanh Xuân đã bị tuyên 9 năm tù; Võ Huệ Trân 4 năm tù; Đặng Hữu Thịnh 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo và Ngô Ngọc Sơn 2 năm 5 tháng 3 ngày tù bằng thời gian tạm giam và được trả tự do tại tòa.

Sau bản án sơ thẩm, VKSND TP.HCM có kháng nghị tăng án đối với nguyên giám đốc Nguyễn Thanh Xuân vì nhận định bản án của TAND TP.HCM  tuyên phạt bị cáo là quá nhẹ, chưa tương xứng với tính chất, hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng mà bị cáo gây ra cho Nhà nước và VKS đề nghị tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) xét xử lại theo hướng tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thanh Xuân.

Riêng 3 bị cáo còn lại, VKS không kháng nghị. Đến ngày 6-3-2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm, tuyên hủy án, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại từ đầu, với lý do còn nhiều nội dung chưa được làm rõ.

Theo nội dung vụ án, từ năm 2004, Võ Huệ Trân và Nguyễn Thanh Xuân (lúc đó là Giám đốc và phó Giám đốc Công ty Cofidec) chỉ đạo cấp dưới lập hợp đồng mua bán với đối tác nước ngoài giả tạo để mở tờ khai hải quan, đưa một số lượng lớn tôm đông lạnh sang Mỹ tiêu thụ. Trân và Xuân chỉ đạo Đặng Hữu Thịnh và Ngô Ngọc Sơn lập hợp đồng mua bán giả với các đối tác nước ngoài, giả chữ ký, mạo danh khách hàng, làm giả hồ sơ hải quan... để khẩu một lượng lớn hàng thủy, hải sản đông lạnh sang Mỹ, gây thất thoát cho Nhà nước gần 39 tỷ đồng, không còn khả năng thu hồi.

Ngoài ra, vào cuối năm 2004, Công ty TNHH Thủy sản Bạc Liêu (là Công ty của gia đình Xuân) ký hợp đồng ủy thác cho Công ty Cofidec nhập khẩu hệ thống máy sấy thăng hoa. Xuân chỉ đạo Công ty Cofidec thanh toán phần đi lại cho chuyên gia lắp máy, thuê cẩu máy hơn 50 triệu đồng, gây thiệt hại cho Công ty Cofide nhưng làm lợi cho công ty của gia đình Xuân.