Móc ngoặc buôn lậu, giám đốc doanh nghiệp lĩnh án đích đáng

ANTĐ - Thuê người mở tờ khai hải quan và lợi dụng sự thông thoáng trong quy trình thông quan điện tử, Tuấn dễ dàng tạm nhập tái xuất trót lọt nhiều lô hàng điện tử giá trị đặc biệt lớn. Thế nhưng hành vi đó của đối tượng lại không thể “qua mặt” được lực lượng công an.

Tại phiên tòa ngày 12-1, Nguyễn Mạnh Tuấn (SN 1985, trú ở phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và giao nhận vận tải TH (gọi tắt là Công ty TH) bị đưa ra xét xử về tội “Buôn lậu”, theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 153-BLHS.

Tiếp tay cho hành vi tội phạm của Tuấn là một số đối tượng chuyên làm dịch vụ kê khai tờ khai hải quan thuê cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, do hành vi của những người này chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên các cơ quan tiến hành tố tụng không đề cập xử lý.

Buôn lậu hàng điện tử giá trị "khủng", Nguyễn Mạnh Tuấn bị phạt tù đích đáng

Diễn biến phiên tòa cho thấy, chiều 17-4-2013, tại quốc 1ộ 18, qua địa phận huyện Sóc Sơn, lực lượng CATP Hà Nội phát hiện một xe ô tô tải chở đầy hàng hóa có dấu hiệu nghi vấn nên đã yêu cầu lái xe đưa toàn bộ hàng hóa về trụ sở để làm rõ. Không lâu sau đó, ngày 6-5-2013, ngay tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, lực lượng CATP Hà Nội tiếp tục phát hiện ra một xe ô tô tải nữa cũng chở đầy hàng hóa có dấu hiệu khả nghi và đã tạm giữ tang vật để xem xét.

Tiến hành điều tra về nguồn gốc số hàng hóa này, lực lượng công an đã làm rõ cả 2 xe ô tô tải chở đầy hàng hóa bị tạm giữ đều thuộc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Thiên Ân, có địa chỉ tại xã Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội. Mở niêm phong hàng hóa trên 2 ô tô tải bị tạm giữ cho thấy, tất cả đều là các linh kiện điện tử với tổng trị giá hơn 50 tỷ đồng và chủ sở hữu (thể hiện trên hồ sơ hải quan) là Công ty TH.

Vào thời điểm số hàng hóa điện tử bị phát hiện, tạm giữ, Công ty TH đang thuê Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Thiên Ân vận chuyển lên cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Quá trình điều tra và lời khai của những người liên quan tại phiên tòa cho thấy, năm 2011, Nguyễn Mạnh Tuấn thành lập Công ty TH với nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau. Đầu năm 2012, thông qua anh Phạm Ngọc Hiền (trú ở Hải Phòng) Tuấn quen biết đối tượng người Trung Quốc có tên A Minh, nhưng không rõ lai lịch.

Biết A Minh là người đại diện của Công ty Bo Fung (ở Hồng Kông) chuyên làm nhiệm vụ tổ chức trung chuyển hàng hóa quá cảnh từ Hồng Kông vào nội địa Trung Quốc nên Tuấn đề nghị hợp tác làm ăn để được chia lợi ích.

Cụ thể, Tuấn và A Minh thống nhất, Công ty TH sẽ đứng tên trên hợp đồng cùng hóa đơn mua hàng hóa (dưới dạng tạm nhập tái xuất) từ Công ty Bo Fung để sau đó bán lại cho Công ty Lưu Kinh ở Đông Hưng, Trung Quốc. Công ty của Tuấn có trách nhiệm mở tờ khai kê khai và hoàn thiện thủ tục hải quan nhập khẩu tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, mỗi khi hàng hóa được chuyển từ Hồng Kông tới Việt Nam.

Sau đó, Tuấn sẽ tổ chức bốc xếp, vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu Chi Ma. Tại đây, người của A Minh sẽ chịu trách nhiệm mở tờ khai xuất khẩu và đưa hàng sang bên kia biên giới. Mỗi chuyến hàng trót lọt, Công ty TH sẽ được A Minh trả cho một khoản tiền hậu hĩnh.

Thực hiện việc buôn bán hàng hóa với A Minh, Tuấn thường xuyên nhận hợp đồng bán hàng điện tử cùng hóa đơn tài chính của Công ty Bo Fung gửi về qua đường xe khách Móng Cái - Hải Phòng. Mỗi lần nhận được hợp đồng, Tuấn đều dùng tư cách Công ty TH để xác lập việc mua hàng hóa.

Tiếp đến, Tuấn chuyển hợp đồng, hóa đơn và thuê một số người chuyên làm dịch vụ mở tờ khai hải quan tại Sân bay Quốc tế Nội Bài để hoàn tất thủ tục thông quan hàng hóa. Có được bộ hồ sơ thông quan hợp lệ, Giám đốc Công ty TH nhanh chóng đưa hàng lên Lạng Sơn bàn giao cho đối tác.

Mặc dù quy trình buôn lậu của Tuấn khá khép kín và tinh vi như vậy, song CQĐT đã chứng minh thực tế không hề có Công ty Lưu Kinh ở Đông Hưng, Trung Quốc. Và mặc dù tồn tại Công ty Bo Fung ở Hồng Kông thật, song các thông tin của doanh nghiệp này trên hồ sơ mua bán hàng hóa bị thu giữ không trùng khớp với nhau. Đại diện Công ty Bo Fung còn khẳng định chưa bao giờ mua bán hàng hóa với Công ty TH và doanh nghiệp này cũng không có nhân viên nào tên là A Minh.

Ngoài 2 chuyến hàng buôn lậu bị bắt quả tang, Công ty TH của Tuấn còn từng hàng chục lần tạm nhập tái xuất hàng hóa giả tạo từ Hồng Kông sang Trung Quốc với phương thức, thủ đoạn tương tự. Tuy nhiên, do không thu giữ được hàng hóa trong các lần buôn lậu ấy nên không đủ cơ sở xử lý.

Sau 1 ngày xét xử, nhận thấy cáo trạng truy tố Giám đốc Công ty TH là có căn cứ, đúng pháp luật nên HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Mạnh Tuấn 17 năm tù giam về tội “Buôn lậu”.