Mở rộng đối tượng miễn thị thực, thêm lực hút khách du lịch

ANTĐ - Miễn thị thực nhập cảnh (visa) không phải là chìa khóa quyết định sự phát triển của ngành du lịch nhưng đây  là yếu tố quan trọng tác động đến lựa chọn của du khách quốc tế khi đặt chân đến bất cứ quốc gia nào. Bởi vậy, việc Chính phủ quyết định miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu hôm  18-6 được xem là động thái tích cực mở ra triển vọng mới cho ngành du lịch Việt Nam.   

Nâng cao sức cạnh tranh

Trên thực tế, việc đề xuất miễn visa cho khách nước ngoài vào Việt Nam không phải là vấn đề mới. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: “Các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch có thể tiếp cận visa đã trở thành chủ đề mà tổ chức Du lịch Thế giới  của Liên hợp quốc (UNWTO) thảo luận trong nhiều phiên họp. Tổ chức này từng khuyến khích với các quốc gia thành viên cần phải áp dụng những giải pháp, quy chế thật thuận lợi để khách du lịch có thể tiếp cận được với visa”.

Mở rộng đối tượng miễn thị thực, thêm lực hút khách du lịch ảnh 1

Dỡ bỏ rào cản visa là một trong những yếu tố thúc đẩy tính cạnh tranh trong ngành du lịch của một quốc gia

Đây cũng là vấn đề được đưa vào chiến lược phát triển của ngành du lịch đến năm 2010. Tuy vậy, Việt Nam mới miễn thị thực đơn phương cho công dân 7 quốc gia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và miễn thị thực song phương cho 9 nước ASEAN và gần đây là miễn thị thực có thời hạn cho công dân Belarus với thời hạn lưu trú không quá 15 ngày. Trong khi đó, Singapore đã miễn thị thực cho công dân của hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, Malaysia là 155 nước, Thái Lan cũng áp dụng miễn thị thực cho công dân 55 nước, cấp thị thực tại cửa khẩu cho công dân 28 nước tại 24 cửa khẩu. 

Việt Nam từ khi áp dụng chính sách miễn visa vào năm 2004, lượng khách Nhật Bản đã tăng 2,43 lần, khách Hàn Quốc tăng 3,6 lần, và riêng thị trường khách Nga đã tăng 7,45 lần. Đã có thời điểm lượng du khách từ Nga vào Việt Nam  tăng vọt và trở thành thị trường mũi nhọn ở những nơi trọng điểm về khách du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…, tạo ra diện mạo mới mẻ cho hoạt động du lịch. Việc ngày 18-6, Chính phủ ban hành Nghị quyết 46/NQ-CP về miễn thị thực cho công dân 5 nước là Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy khi nhập cảnh vào Việt Nam được xem là một hướng đi tích cực để thu hút khách du lịch vào Việt Nam. Đây là những thị trường khách lớn, nhu cầu lưu trú dài, mức chi tiêu cao và có quan hệ hữu nghị tốt với Việt Nam. 

Sự hài lòng của du khách là yếu tố hàng đầu

Nhìn nhận về việc miễn visa cho người nước ngoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, đối với khách du lịch, một quốc gia có hỗ trợ về visa, có đường bay thẳng nối với nơi họ đang sống rõ ràng là có lợi thế trong việc giúp họ quyết định đến với quốc gia đó, so với những nơi không đáp ứng được cả hai yếu tố trên. 

Bày tỏ quan điểm về việc dỡ bỏ rào cản thị thực, PGS, TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam khẳng định, “Không thể nói việc miễn visa là vội vàng khi từ lâu nó đã nằm trong chiến lược phát triển của ngành du lịch. Các quốc gia trên thế giới, ngay cả các quốc gia phát triển đã tách biệt rõ ràng thị thực đối với khách du lịch và các loại thị thực khác nhằm tạo điều kiện tối đa để thu hút khách, huống chi là một nước đang phát triển như Việt Nam”. Vấn đề chọn lựa thị trường để nới lỏng chính sách visa cũng rất được quan tâm. PGS.TS Phạm Trung Lương cho biết, việc miễn visa cho các thị trường khách trước hết phải dựa trên chiến lược phát triển, trong đó ưu tiên thị trường khách gần. 

Mặt khác, cũng cần khẳng định rằng, chính sách hỗ trợ về visa không thể được xem là “gỡ gạc” cho ngành du lịch như một số quan điểm đã đưa ra. Trong bối cảnh lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 2,7 triệu lượt khách, giảm tới 12,2% so với năm 2014 - một hệ quả tất yếu do những biến động chính trị và xã hội xảy ra trên thế giới như căng thẳng trên Biển Đông và Nga bị các nước phương Tây áp dụng các biện pháp cấm vận, thì nới lỏng visa là bước đi nhằm chuyển hướng thị trường, tháo gỡ phần nào khó khăn cho những địa phương chịu ảnh hưởng về việc sụt giảm du khách.

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, chính sách visa đóng vai trò tích cực để góp phần phục hồi lượng khách quốc tế nhưng không phải yếu tố quyết định. Vấn đề được đặt lên hàng đầu vẫn là “sự hài lòng” của du khách khi đặt chân đến Việt Nam. Trong đó, hoạt động quảng bá và xây dựng sản phẩm du lịch được coi là vấn đề căn bản trong chiến lược phát triển du lịch.

Thực tế, mặc dù được chú trọng nhưng nhiều năm qua, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của Việt Nam vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp và hiệu quả.

Thêm vào đó, sản phẩm du lịch của chúng ta không có nhiều đột phá, mới mẻ, đủ sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu về chất lượng lẫn mang yếu tố bản sắc của vùng miền. “Tôi cho rằng, ngoài yếu tố tạo điều kiện thuận lợi về visa, thì yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là tạo sản phẩm để thu hút khách, đảm bảo môi trường cho khách đến để họ thấy yên tâm, hài lòng. Thay vì quan tâm đến chuyện đưa được bao nhiêu khách vào Việt Nam, thì chúng ta nên tính đến việc sử dụng nguồn vốn dù không lớn nhưng vẫn phát huy được hiệu quả, chất lượng kinh doanh. Đây là những định hướng mang tính chất căn cơ, lâu dài” - PGS.TS Phạm Trung Lương khẳng định.