Mở mắt ra là đi chợ

ANTĐ - Đi xuyên một cái chợ là người ta có thể thâu nhận được văn hóa đường phố, từ những cái suồng sã nhất đến những cái tinh vi nhất. Chợ là nơi cạnh tranh, nơi không ai tự huyễn hoặc được bản thân. 

Đấy là nơi mỗi người bán phải trổ tài thuyết phục đám đông về món hàng của mình để không bị ế, nơi những người mua phải vận dụng kinh nghiệm mà mua đúng thứ mình cần không thừa, không thiếu. Thứ cạnh tranh này luôn có bộ mặt thực chất, lừa đảo móc túi như cơm bữa nhưng người ta có thể chỉ mặt đặt tên tệ nạn đó, chứ không như những cuộc cạnh tranh phù phiếm về nhan sắc hoặc cao đạo như kiến thức, lắm khi núp dưới những mỹ từ rổn rảng mà nửa tin nửa ngờ. Ở chợ, mất tiền thì sờ ví là biết. Mua phải con cá ươn là biết, đành tự sỉ vả mình chứ về nhà biện minh với chồng sao đây? 

Người Hà Nội đi bộ vài bước là đã gặp chợ

Những cái chợ to đều đã được chuyển thành trung tâm thương mại, chợ nhỏ, chợ xanh, chợ cóc vẫn bám trụ ở hang cùng ngõ hẻm. Tập quán sinh hoạt “mở mắt là đi chợ” của người Hà Nội duy trì đã đủ lâu để dân nơi đây không chịu đi xa đến các trung tâm xách đồ về. Cộng thêm việc đường phố Hà Nội rất bất tiện cho việc cuốc bộ, bởi vì chính đường phố đã biến thành… chợ. Nhưng như thế lại có nghĩa là tiện cho việc đi chợ. Điều này lý giải tại sao việc thu gom hàng rong vào địa điểm tập kết lại khó đến thế, và cái gì dân sinh hà hơi tiếp sức là y như rằng sống khỏe.

Người ta ưa thanh cảnh hóa không gian sinh sống của dân Hà Nội theo các hướng tôn vinh các địa điểm di tích tâm linh hay văn hóa lịch sử, chứ ít chịu trưng bày cái chợ như là một đại biểu cho sự phồn vinh của đô thị này. So với sự tiện bề gom lại một rọ để xếp hạng này nọ của các di tích, cái chợ là nơi khó lường, mỗi phút ở bên cái mẹt rau quả là một màn trình diễn thú vị nhất cho ngành dân tộc học và du lịch. Câu ca dao “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” hãy còn bị tranh cãi về bản quyền cái tên, thậm chí còn bị vạch vòi là hàm ý ăn theo hoặc mỉa mai, nhưng danh xưng Kẻ Chợ thì ắt là Hà Nội. 

Cái Kẻ Chợ, tức 36 phố phường xưa cũ, hình thành trước hết là nhờ các khu dân cư làm nghề sản xuất chuyên từng mặt hàng họp nhau lại thành phố buôn bán. Cách bố trí theo dãy đan thành ô chẳng khác gì những sạp hàng khổng lồ trong một cái chợ lớn. Tất nhiên không đến nỗi muốn mua con gà phải cuốc bộ từ Lò Sũ ở mạn Đông Nam lên tận Hàng Gà ở Tây Bắc khu phố cổ, hoặc muốn mua cái chum, cái vại phải lộn lại cả dặm đường, nhưng tinh thần tiện lợi ùa ra mặt đường nổi lên như một đặc tính còn duy trì đến tận ngày nay. Nó làm nên cốt cách của lối sinh hoạt phố phường Hà Nội. Khi được sắp xếp ổn định và trật tự, nó hài hòa với quy mô gia đình truyền đời trong một tổng thể phố nghề quan hệ chặt chẽ, đa phần là người cùng làng ở những vùng quê lân cận lên Hà Nội làm ăn từ lâu. Sự hài hòa ấy trước hết thể hiện ở kiến trúc khá đồng nhất với nhau, các không gian có diện tích vừa đủ cho dân số sinh tồn. Trong một không gian nhịp nhàng như thế, những phần “trang sức” như thú ăn chơi, kiểu làm dáng cũng mang nhịp độ nhẩn nha tương ứng. 

Bây giờ không còn thuần những dãy phố cổ chuyên bán một mặt hàng, nhưng phố nào ở Hà Nội mà có buôn bán thì cũng đều thừa hưởng tinh thần bám vỉa hè, bám mặt đường mà kinh doanh. Cái thời đồ thủ công chiếm ưu thế mới sinh ra được những dãy phố khéo tay hay nghề đã thay bằng thời phố dịch vụ. Cốt cách tự tin về hàng chất lượng đã không còn quan trọng bằng khéo mồm giữ khách. Đã bán đồ Trung Quốc thì hiệu nào chả giống hiệu nào! Hiện giờ thì phở chửi cháo quát còn vượng, nhưng càng ngày càng bị nhắc tới nhiều chứng tỏ kiểu làm ăn như vậy sắp mất vị thế đến nơi. Khẩu vị đa dạng hơn, nhu cầu nhiều hơn, thêm vào đấy, người Việt nào nhạy bén là có khả năng đứng ra kinh doanh trong cái thời “không giàu là có tội”.

Cung cách sống chợ búa in đậm lên cách ứng xử dân Hà Nội, vừa giúp thay đổi sự trì trệ kiểu công chức hàng chục năm, vừa là thứ làm cho tính cách dân ở đây phải thực tế, linh hoạt biến đổi với thời cuộc. Nhiều người dị ứng với những thứ xoe xóe cạnh khóe đầu đường xó chợ, nhưng cách chửi nhau ở chợ có điếc tai xô xát nhưng là cái mâu thuẫn rành mạch, rõ ràng. Rõ ràng rành mạch như con cá quả đang giãy đành đạch trong thau bà bán hàng tuy có lúc bị cân điêu nhưng mà chắc chắn tươi chứ không mơ hồ cứng đông như khúc cá ép túi nylon trong ngăn đá siêu thị.