Méo mặt vì… được xây nhà

ANTĐ - Lẽ thường, những người đang sống trong cảnh bần hàn, khốn khổ, cả đời phải chui rúc trong một mái nhà tranh dột nát bỗng dưng được nhà nước xây cho một ngôi nhà khang trang, ắt hẳn phải vui mừng lắm. Ấy nhưng, 15 hộ nghèo của xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thì ngược lại. Chủ trương xóa nhà tạm của tỉnh đã không được cán bộ thực hiện đúng trách nhiệm khiến không ít gia đình lâm vào cảnh, lao đao…

Cụ Thoa với ngôi nhà mới vẫn còn dang dở


Già rồi còn dại

Nhà cụ Nguyễn Thị Thoa nghèo thế nào thì cả thôn Mộ Đạo chẳng ai còn lạ. Nằm cách trung tâm huyện lỵ Quế Võ chưa đến 5 cây số nhưng dù đã 70 tuổi rồi, cụ Thoa vẫn chưa có nổi một mái nhà tử tế. Cả cuộc đời cụ gắn liền với túp nhà tranh tre dột nát. Cũng may, ở hiền gặp lành, đến lúc cuối đời, cụ Thoa được các cán bộ xã, thôn đã đưa tên vào danh sách những hộ nghèo được nhận chương trình xóa nhà tạm của UBND tỉnh với khoản kinh phí hỗ trợ là 30 triệu đồng. Lúc đó là quãng tháng 6-2010, cụ Thoa vẫn nhớ như in lúc ông trưởng thôn mang thông báo đến nhà mình: “Tôi cứ ngỡ mình nằm mơ chú ạ, hóa ra nhà nước vẫn không quên người nghèo. Thế là cuối đời tôi cũng đã có một mái nhà tử tế, cũng mãn nguyện trước lúc nhắm mắt xuôi tay. Tôi già rồi, thu nhập chẳng có, nếu không có nhà nước hỗ trợ chắc đến chết vẫn ở trong túp lều nát này thôi”.

Mừng vui trước thông tin này, con cháu, họ hàng cụ Thoa bảo nhau, mỗi người giúp thêm một chút, góp chung với khoản hỗ trợ của nhà nước để dựng hẳn cho cụ căn nhà tử tế. Nhưng khổ nỗi, cán bộ lại thông báo khoản hỗ trợ kia sẽ chỉ trao cho cụ sau khi công trình xóa nhà tạm của cụ đã hoàn thành và có nghiệm thu. Cụ Thoa nghĩ, thôi thì trước sau tiền nhà nước cũng sẽ cho mình, cụ đành bấm bụng đi vay nóng bà con trong làng rồi mau chóng thuê thợ tới dựng nhà.

Thấy bà cụ túng quá, đã vét đến thúng thóc cuối cùng đem bán mà vẫn chưa đủ, hàng xóm lại bảo nhau cho vay. Tổng cộng cụ vay được 4 chỉ vàng và ngót 20 triệu đồng. Thế nhưng từ đó đến nay, nhà đã xong nhưng khoản tiền giúp dân xóa nhà tạm kia vẫn bặt vô âm tín. Cụ Thoa bỗng dưng thành chúa Chổm của cái làng này. Hôm chúng tôi đến, cụ Thoa tiếp khách trong ngôi nhà gạch vẫn còn dở dang chưa trát vữa: “Tôi cứ đinh ninh xây xong là nhà nước cho tiền, ai dè… Biết thế này, mình chẳng làm nhà nữa. Bây giờ người ta thúc nợ tôi chẳng biết làm thế nào. Cứ để cái nhà tranh cũ không sao, giờ thành ra mang tiếng: nghèo rớt lại thích chơi sang”. Ngoài khoản nợ gốc ra, cụ Thoa còn méo mặt với khoản lãi đang tăng lên từng ngày. Lúc cụ đi vay, hứa sống hứa chết với người ta chỉ trong 2-3 tháng xây xong, nhà nước rót tiền về sẽ trả. Ai dè, từ đó đến nay giá vàng tăng chóng mặt mà khoản tiền kia vẫn mịt mù.

Nhà cụ Thoa là hộ nghèo, xóa nhà tạm xong thì thành “siêu nghèo” vì mang một đống nợ to đùng. Ông Nguyễn Đức Nam - trưởng thôn Mộ Đạo bảo: “Tết vừa rồi, nếu mặt trận không hỗ trợ cho 1,5 triệu đồng thì cụ Thoa mất Tết vì bao nhiêu tiền cụ dốc vào cái nhà này cả. Thật chẳng cái dại nào giống cái dại nào”.

Cũng nghèo như nhà cụ Thoa, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Đạo vất vả hơn. Chẳng biết lấy đâu ra kinh phí để “tạm ứng” khoản tiền 30 triệu đồng tỉnh đã hứa, ông Đạo liều bán đi một sào đất vườn lấy tiền dựng nhà, còn thiếu thì nhờ anh em họ mạc vay giúp với lãi suất 1,5%/ tháng. Xây cái nhà nho nhỏ chỉ độ 1 tháng là xong nên khoản lãi ấy cũng không phải là “áp lực” với ông lắm. Ngờ đâu, đến giờ tiền vẫn chẳng thấy, ông Đạo méo mặt.

Ông Đạo vốn bị điếc nặng, một mắt bị mù, lại còn mắc thêm bệnh não. Thế nên thấy chúng tôi hét vào tai hỏi đến khoản nợ xây nhà, ông cứ tưởng bị thúc nợ, người run lên cầm cập. Bà Nguyễn Thị Tới, em ruột ông phải trấn an mãi, ông mới hiểu ra. Nhắc tới ngôi nhà mới của mình, ông chỉ thở hắt ra rồi ngồi thừ mặt. Bà Tới bảo: “Anh tôi run là phải, đối với người giàu 30 triệu đồng thì chẳng là gì, nhưng với anh tôi thì to lắm. Số tiền lớn  mua được 3 con bò cơ đấy. Cả đời anh tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có chừng ấy tiền. Thế nên giờ mắc nợ, ông ấy ăn chẳng dám ăn, bệnh tật thế nhưng hằng ngày vẫn lụi cụi đi mò cua bắt ốc gom góp lấy chút tiền. Trả nợ được đồng nào hay đồng ấy”.

Giấc mơ nghiệt ngã

Thực ra, việc dân nghèo ở xã Mộ Đạo giờ tự nhiên mang nợ đã được cán bộ các thôn chất vấn UBND xã và huyện từ cuối năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết nào cho rõ ràng. Ông Nguyễn Đức Nam, trưởng thôn Mộ Đạo bảo: “Hồi tháng 12 năm ngoái, bà con trong thôn có xem truyền hình tỉnh thấy đưa tin: Bắc Ninh đã cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tạm nên đã tới nhà tôi để hỏi khi nào họ được nhận khoản tiền hỗ trợ kia? Vì thế khi họp HĐND xã, tôi có đặt vấn đề này ra, nhưng các vị ấy vẫn chưa cho biết kết quả thế nào”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Kiên - Chủ tịch xã Mộ Đạo cho biết: “Chủ trương xóa nhà tranh tre dột nát cho các hộ nghèo, có công với nước và bị ảnh hưởng chất độc da cam là chủ trương của toàn tỉnh. Thực hiện chỉ đạo này, UBND xã đã thống kê, xét duyệt các hộ đủ điều kiện và gửi danh sách lên phòng Công Thương huyện theo đúng quy định. Tuy nhiên không hiểu lý do làm sao mà danh sách này lại bị thất lạc. Cán bộ phụ trách xây dựng của xã thì báo cáo là đã gửi từ năm ngoái, còn phòng Công Thương lại bảo chưa nhận được. Thế nên hiện nay chưa có tiền đưa xuống cho dân và chúng tôi vẫn đang đợi hướng chỉ đạo giải quyết từ cấp trên”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thọ - Trưởng phòng Công Thương huyện Quế Võ lại khẳng định: “Cán bộ xã nộp hồ sơ lên chậm chứ không có chuyện cán bộ phòng Công Thương làm thất lạc hồ sơ. Theo như quy định những xã nào nộp chậm thì tỉnh sẽ coi những địa phương đó không có nhu cầu”. Nói về hướng giải quyết cho các hộ dân hiện đang trong cảnh tiến thoái lưỡng nan, ông Thọ cho rằng: “Chương trình này đã xong nên trong năm nay rất khó huy động được nguồn lực để thực hiện những tồn đọng này. Dự kiến, có lẽ phải đến năm 2012 mới có thể bố trí giải quyết được”.

Như vậy, các hộ dân đã “trót” xóa nhà tạm kia có thể “an tâm” là khoản tiền hỗ trợ mà họ từng được hứa vẫn sẽ có ngày đến tay họ. Tuy nhiên để đợi tới được lúc đó thì có lẽ họ sẽ lại phải tiếp tục mơ tiếp giấc mơ đang còn dang dở của chính mình mà chưa biết đến thời điểm cụ thể nào mới thành hiện thực.