Máy bay huấn luyện nội địa của Ấn Độ bay thử lần đầu thành công

ANTĐ - Thông tin trên trang mạng “flightglobal” cho hay, máy bay huấn luyện HTT-40 do Ấn Độ chế tạo đã bay thử lần đầu tiên thành công.

Máy bay huấn luyện nội địa của Ấn Độ bay thử lần đầu thành công ảnh 1

Mô hình máy bay huấn luyện HTT-40

Chiếc máy bay này đã bay thử thành công lần đầu tiên tại sân bay Bengaluru, với thời gian bay là 30 phút. Được biết hoạt động bay thử dòng máy bay này sẽ được Công ty trách nhiệm hữu hạn hàng không HAL (Hindustan Aeronautics Ltd) Ấn Độ tiến hành đến tận cuối năm 2018. HAL sẽ chế tạo 3 chiếc nguyên mẫu và 2 chiếc dùng để thử nghiệm tĩnh.

Trước đây, chính phủ nước này đã chất vấn đối với các công ty quốc phòng trong nước rằng, liệu họ có khả năng tham gia vào dự án có tổng giá trị khoảng 1,2 tỷ USD, về sản xuất máy bay PC-7 Mark II được công ty Pilatus Thụy Sĩ cấp phép không.

Đây là dự án mà New Dehli và công ty Pilatus Thụy Sĩ đã đạt được thỏa thuận về chế tạo và xuất khẩu máy bay huấn luyện, nhưng chỉ cho phép công ty Ấn Độ sản xuất khoảng 50% linh kiện và hệ thống phụ của máy bay.

Nhưng các công ty quốc phòng Ấn Độ cho rằng, giá thành của dự án này quá đắt đỏ, mà đơn hàng lại có hạn. Ngoài ra, chỉ lựa chọn một số công ty Ấn Độ và một số nhà sản xuất thiết bị gia công của Thụy Sỹ tham gia vào dự án. Do đó, đến nay, vẫn chưa có công ty nào đưa ra ý kiến về gói thầu cung cấp máy bay huấn luyện với Pilatus.

Một quan chức cấp cao của Tập đoàn Tata cho biết, công ty sản xuất máy bay Pilatus Thụy Sĩ là người được hưởng lợi chính trong dự án này, còn lợi nhuận của doanh nghiệp Ấn Độ thì rất ít. Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo của công ty HAL khẳng định, họ sẽ nghiên cứu máy bay huấn luyện HTT-40 hiện đại hơn máy bay PC-7 Mark II của Thụy Sĩ.

Theo kế hoạch chiếc đầu tiên dòng máy bay huấn luyện HTT-40 sẽ được bàn giao cho không quân Ấn Độ vào năm 2019, năm thứ 3 tiếp sau đó sẽ bàn giao tiếp 11 chiếc. Sau đó, tốc độ sản xuất sẽ được nâng lên 20 chiếc/năm. Được biết, lực lượng không quân nước này sẽ mua ít nhất 68 chiếc máy bay huấn luyện kiểu này.