Mặt trái tăng trưởng nóng ngành du lịch

ANTĐ - Bhutan áp dụng chính sách “kiềm chế du khách”, New Zealand buộc du khách phải đặt trước đối với một số tour du lịch có nguy cơ tác động đến môi trường… Trong khi đó, Việt Nam chưa có động thái nào đáng kể trong kiểm soát việc tăng trưởng “nóng” ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng, mà bài học về việc đón khách Trung Quốc ồ ạt là một ví dụ điển hình. 

Hòn đảo Koh Tachai, Thái Lan đã phải đóng cửa vô thời hạn vì khách quá đông

Kinh nghiệm từ những thiên đường du lịch 

Mặc dù đã có quan điểm cho rằng Bhutan không thực sự cởi mở trong đón khách du lịch, tuy nhiên, quốc gia này vẫn đang kiên quyết đi theo định hướng phát triển du lịch một cách bền vững. Đến với Bhutan, du khách bắt buộc phải xin thị thực và mua tour của một công ty lữ hành có chương trình đi Bhutan. Một quy định đặc biệt của Chính phủ nước này là du khách đến Bhutan phải tiêu ít nhất 200USD/ngày vào mùa thấp điểm và 250USD/ngày vào mùa cao điểm.

Đây chính là chi phí gói gọn trong tour mà du khách phải chi trả. Nó đảm bảo cho mỗi du khách khi đến Bhutan không phải lo lắng gì khi tận hưởng kỳ nghỉ của mình, bởi sẽ bao gồm toàn bộ chi phí ăn uống, khách sạn, xe cộ đi lại, hướng dẫn viên, thậm chí các thiết bị lều trại, phục vụ cho chuyến đi trekking (du lịch mạo hiểm)… 

Chính sách đặc biệt ở quốc gia này cũng đồng nghĩa với việc các công ty du lịch không thể đón khách ồ ạt vào Bhutan, đồng thời không có chuyện tự ý “chặt chém”, nâng giá hay “phá giá” khi chi phí sàn đã được thiết lập. Bên cạnh đó, chính quyền Bhutan cũng sẽ dễ dàng kiểm soát được lượng du khách vào đất nước mình, hạn chế du khách đi theo kiểu tự phát có thể gây ra những tác động tiêu cực đến an ninh, môi trường du lịch. 

Trái với Bhutan, New Zealand, quốc gia xinh đẹp nằm ở châu Đại Dương với dân số xấp xỉ 4 triệu người, có vị trí địa lý tách biệt so với đất liền gần như không bị tác động từ việc tăng trưởng “nóng” lượng du khách. Tuy nhiên, không vì thế mà Chính phủ nước này ngồi yên. Cục Bảo tồn New Zealand đã áp dụng một hệ thống đặt trước bắt buộc mà mỗi du khách khi tham gia các chuyến đi Great Walks - những hành trình đi bộ dài ngày đến các điểm du lịch tự nhiên ở New Zealand. Họ làm như vậy để tránh việc du khách đổ dồn đến những rặng núi, những bãi biển… gây ra những tác động xấu đến môi trường. 

Khách du lịch Bhutan phải đi theo tour với những chi phí đã được quy định

Chậm trễ sẽ phải trả giá

Thái Lan đã từng phải hứng chịu hậu quả của việc làm du lịch theo kiểu xô bồ. Chính quyền Thái Lan vừa phải thông báo đóng cửa hòn đảo Koh Tachai - một trong những hòn đảo hoang sơ đẹp nhất ở đất nước này vì lượng khách đổ dồn về đây quá đông. Sức chứa của Koh Tachai chỉ vào khoảng 70 người thì có lúc lượng khách có mặt trên hòn đảo đã lên tới… 1.000 người.

Sự quá tải này gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường như xả rác bừa bãi, cảnh quan thiên nhiên bị hủy hoại… và nếu không có biện pháp kịp thời, Thái Lan sẽ mất hòn đảo này vĩnh viễn. Ngoài Koh Tachai, Thái Lan cũng đã phải áp dụng lệnh đóng cửa với hai hòn đảo khác là 

Similan và Surin cũng vì lý do tương tự. Bài học kinh nghiệm từ xứ sở Chùa Vàng cho thấy, nếu một quốc gia không quan tâm đúng mức tới nguy cơ từ sự bùng phát khách du lịch và đưa ra được những chính sách đúng đắn trong việc kiềm chế du khách, thì rất có thể quốc gia đó sẽ phải trả giá và đánh đổi bằng chính tài nguyên của mình. 

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã từng tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm, trong đó nhiều lần cảnh báo về những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của du khách sẽ tác động tiêu cực đến môi trường du lịch Việt Nam. Và cho đến bây giờ, hậu quả của việc “nhập khẩu” khách ồ ạt, những hệ lụy về văn hóa đã thấy rõ.

Có nhiều đoàn khách gần đây từ chối đến Nha Trang vì cho rằng nơi này đã mất đi sự bình yên vốn có. Đó là những hậu quả mà chính quyền thành phố và ngành du lịch không lường trước được. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, trong một thời gian ngắn, việc khách du lịch Trung Quốc đổ dồn vào Nha Trang đã thể hiện sự lúng túng  của chính quyền địa phương.

Rõ ràng đây không chỉ thể hiện sự bị động, thiếu chuẩn bị trong việc tiếp đón một thị trường khách lớn, mà còn cho thấy sự quản lý lỏng lẻo đáng trách ở một trong những điểm du lịch hàng đầu cả nước.