Chuyện thần ngư ở cửa biển thiêng Thái Bình (5)

Mắt thần kỳ diệu của ngư dân biển cả

ANTĐ - Mắt thần kỳ diệu ấy, đã như con ong cần mẫn từ bao đời qua và đặc biệt hơn khi về màn đêm buông xuống ánh mắt ấy nhìn xa đến vô tận.

Đã là người đi biển thì những điều liên quan đến biển họ đều tôn thờ cả, nhất là đối với ngư dân Việt Nam thì mắt thần còn là cuội nguồn của sự sống.

Ngọn hải đăng Ba Lạt

“Khi ra khơi tôi thường nói với bạn bè, quê tôi dưới chân ngọn hải đăng Ba Lạt. Người bạn cười rồi nói rằng, à tôi biết nơi đó”- ông Nguyễn Trọng Hưng ở cửa Ba Lạt tự hào. Chỉ giản dị như vậy thôi, nhưng người dân ai ai cũng tự hào. Thế cũng phải, bởi ngọn hải đăng Ba Lạt không chỉ là mắt báo bão còn là những ánh mắt động viên để họ tư tin mỗi khi cập bến. Cửa Ba Lạt cá tôm nhiều khác lạ. Theo kinh nghiệm đi biển của ông Hưng thì nơi con nước ấy sẵn tôm cá bởi vì sự giao hòa thủy thổ. Con sông Hồng như sự kết nối tình người miền núi, đồng bằng ra để tâm giao với tình biển mặn mòi.

Trời đẹp đứng trên ngọn hải đăng có thể được chiêm ngưỡng cá heo nhảy múa

Mắt thần của biển kỳ diệu là thế. Như bàn tay vô hình để dắt từng đoàn tàu ra khơi, ngay cả trong bão tố vẫn giữ luồng lạch một cách mạch lạc đến diệu kỳ. Mắt thần ấy như giọng nói vô hình của người mẹ gọi con nhỏ trở về, đó là những chuyến thuyền mỗi khi thuyền đầy tôm cá.

Nơi khởi nguồn những chuyến ra khơi của ngư dân

Trên suốt dọc 3260 km bờ biển của đất nước, và trên những hải đảo vùng biển của Việt Nam thì đâu đâu cũng có những “ánh mắt thần” kỳ diệu như thế. Lần trở lại cửa biển trên quê hương vùng lúa năm tấn Thái Bình, tôi đã ghi lại những thường nhật kỳ diệu từ cảm xúc qua những câu kể tự hào của ngư dân về mắt thần cửa Ba Lạt- ngọn hải đăng Ba Lạt. Ở đó được ngắm những cánh rừng bần biêng biếc, như pháo đài chắn sóng, từ dọc đê biển dài như vô tận. Và đặc biệt ở trên cao điểm của mắt thần Ba Lạt, ta sẽ phóng tầm mắt ngắm nhìn những chú cá heo vui đùa ngày biển trong xanh đến vô tận. Có lẽ, đứng trên cao đó, ta mới cảm nhận được biển cả mênh mông đang hướng tình cảm về mình bằng từng đợt sóng vỗ.

Nơi con sông Hồng ngọt ngào hòa vào những con sóng mặn mòi

Tại sao trên dọc đất nước có nhiều mắt thần kỳ diệu như thế, nhưng tôi lại chọn ngọn hải đăng Ba Lạt? Đơn giản đó là nơi đón dòng cuối nước cùng của những hạt nặng phù sa sông Hồng hòa vào mênh mông biển cả. Ba Lạt thuộc huyện Tiền Hải, Thái Bình. Thế nên muôn đời qua nơi đây đã nức tiếng về những cánh đồng 5 tấn trĩu bông.

Ngàn đời qua biển vẫn nuôi sống ngư dân bằng những gì có trong mình

Người ta bảo, quê lúa Thái Bình là vựa lúa của đồng bằng sông Hồng là rất có lý. Bởi dòng sông Hồng đã gom phù sa từ đầu nguồn nơi nó chảy vào đất Việt Nam rồi mang nặng cho vùng lúa bội thu. Nơi Lũng Pô, Bát Xát, Lào Cai là khởi nguồn của dòng sông đỏ, và cửa Ba Lạt là đứa con út của dòng nước nên những lắng đọng đều dồn cho nó.

Mỗi chuyến ra khơi đong đầy vất vả nhưng bù lại cá chở nặng thuyền

Vì vậy mới có những cánh đồng 5 tấn bội thu và những cửa biển phong phú tôm cá đã làm nên một nhịp sống của biển cả.