- Cà phê rởm tràn lan hè phố
- Ghê sợ sự "phù phép" cà phê
- CEO Vinacafe Biên Hòa thừa nhận từng sản xuất cà phê trộn đậu nành
50% số ly cà phê tiêu thụ ở Việt Nam mỗi năm không phải cà phê nguyên chất
50% không phải cà phê nguyên chất
Phát ngôn của Tổng Giám đốc Vinacafe Biên Hòa Nguyễn Tân Kỷ tại một diễn đàn về thực phẩm sạch diễn ra ngày 23-8 không khỏi khiến người tiêu dùng hoang mang. Bởi lâu nay, hầu hết người tiêu dùng yêu thích cà phê vẫn nghĩ mình đang được uống cà phê thật 100%.
Ông Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc ngành hàng cà phê của Tập đoàn Masan cho biết, bình quân mỗi năm, người Việt tiêu thụ gần 17 tỷ ly cà phê, nhưng 50% trong đó không phải là cà phê nguyên chất. Với 1kg cà phê nguyên chất có giá khoảng 120.000 đồng - 150.000 đồng, người bán không thể có lãi nếu bán với giá chỉ 30.000 đồng/ly.
Tuy nhiên, phần lớn cà phê tại Việt Nam đang bán với giá chỉ 10.000 - 13.000 đồng/ly, với nguồn gốc từ hương liệu và giá thành làm ra chỉ 1.000 đồng/ly. “Bằng hóa chất, hương liệu cà phê, giá 150.000 đồng một bình 5 lít, nhà sản xuất chỉ chịu chi phí 1.000 - 1.300 đồng/ly, nhưng có thể bán với giá 10.000 đồng - 30.000 đồng/ly, tức là lợi nhuận lên tới 10 - 20 lần”, ông Nguyễn Đình Toàn cho hay.
Việt Nam là một trong những cường quốc sản xuất và xuất khẩu cà phê hạt nhưng người dân lại không làm giàu được trên hạt cà phê. “Mỗi kilogram cà phê, người dân thường bán với giá cao nhất khoảng 2 USD, thậm chí có lúc giá xuống chỉ còn 30.000 đồng. Nhưng tại Mỹ, giá mỗi kilogram cà phê hạt là 20 USD. Nhiều thương hiệu cà phê nước ngoài dùng nguyên liệu giá 2 USD từ Việt Nam, qua chu trình sản xuất và đóng dấu thương hiệu được bán với giá 4 USD một ly, tức khoảng 200 USD/kg. Đó là điều rất đau lòng”, ông Nguyễn Đình Toàn bày tỏ.
Chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn cà phê
Lãnh đạo Vinacafe Biên Hòa cho rằng, dù Việt Nam xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới về số lượng nhưng Nhà nước lại chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về cà phê. “Nếu tất cả vẫn cứ mập mờ, không có tiêu chuẩn rõ ràng thì khi bước ra thế giới, chúng ta giới thiệu kiểu gì?”, ông Nguyễn Tân Kỷ đặt vấn đề.
Trong khi đó, một doanh nghiệp lớn về ngành hàng cà phê, có thâm niên và có tiếng trên thị trường như Vinacafe Biên Hòa cũng thừa nhận đã từng sản xuất cà phê trộn đậu nành khiến người tiêu dùng thất vọng về thị trường cà phê Việt Nam. Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam cho biết, việc cà phê trộn đậu nành, trộn bột ngô là chuyện không có gì lạ.
Trong từng sản phẩm cà phê, có pha trộn các loại bột này với một tỷ lệ nhất định giúp tăng độ sánh, độ ngậy. Song, điều mà các doanh nghiệp không minh bạch với người tiêu dùng là không ghi rõ ràng trên bao bì sản phẩm tỷ lệ cà phê là bao nhiêu, tỷ lệ sữa và bao nhiêu phần trăm tỷ lệ bột đậu nành… để người tiêu dùng quyết định lựa chọn sản phẩm phù hợp cho mình.
“Nói đi cũng phải nói lại, đến nay, các bộ, ngành liên quan vẫn chưa ban hành được bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về cà phê để quản lý. Hiệp hội đã rất nhiều lần kiến nghị nhưng qua nhiều cuộc họp, nhiều lần lấy ý kiến, hệ tiêu chuẩn, quy chuẩn này vẫn chưa thể hoàn tất”, ông Nguyễn Viết Vinh bày tỏ.
Việt Nam xuất khẩu cà phê nhân Robusta (cà phê vối) tới 80 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng chưa nhận được phản ánh nào về chất lượng nhưng bản thân người tiêu dùng trong nước lại phải uống cà phê có vấn đề về chất lượng.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, các Bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương phải vào cuộc, trả lời cho người tiêu dùng cả nước biết được, việc pha trộn đậu nành, bột ngô vào cà phê có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không, có gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay không? “Nếu cứ để tình trạng như hiện nay, cà phê Việt Nam sẽ mất dần điểm trong mắt bạn bè quốc tế. Các doanh nghiệp sản xuất cà phê phải minh bạch về sản phẩm với người tiêu dùng, không thể mãi mập mờ”, ông Vương Ngọc Tuấn nhìn nhận.