Mảnh đời bé nhỏ trói chân bên trạm xe bus Mumbai

ANTĐ - Câu chuyện về cậu bé tàn tật 9 tuổi bị trói chân ở trạm xe bus được nhà báo Mallika Kapur ghi lại chân thực sau nhiều lần đặt chân trên đường phố tấp nập của Mumbai. Dường như có một sự thật đang hiện hữu giữa xã hội Ấn Độ, đằng sau cuộc sống nhộn nhịp của thành phố đông dân nhất thế giới là những mảnh đời bất hạnh và sự thờ ơ của chính phủ về việc hỗ trợ cuộc sống cho người khuyết tật.

Lần đầu tiên tôi nghe nói rằng có một cậu bé 9 tuổi bị trói chặt chân vào một trạm chờ xe bus ở Mumbai, tôi đã rất ngạc nhiên. Tôi không nghĩ điều này lại xảy ra ở Mumbai- một thành phố sầm uất nhất Ấn Độ.

 

Lakhan và bà ngoại Sakubai 

Khi tôi tìm ra trạm xe bus đó, tôi thực sự còn ngạc nhiên hơn. Tôi đã đi qua khu vực đó thường xuyên, tôi chưa bao giờ thấy một cậu bé bị trói vào cột. Nhưng phải chăng chỉ là tôi đã đi qua và tôi không nhận thấy?

Cũng như tôi, hàng ngàn người trong thành phố Mumbai đã không thấy Lakhan Kale, một cậu bé bị bại não nằm vất vưởng trên vỉa hè. Theo kết quả điều tra dân số mới nhất được tiến hành vào năm 2011, có khoảng 26,8 triệu người khuyết tật ở Ấn Độ. Con số này chiếm 2,2% dân số của đất nước 1,2 tỷ người. Các cơ quan khác, bao gồm cả Ngân hàng Thế giới, nói rằng con số này còn cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, nhiều người khuyết tật như Lakhan đã lặng lẽ chìm dần vào một xã hội đông dân đang bị tàn phá bởi nghèo đói, xã hội mà con người chỉ tồn tại được bằng chính khả năng lao động của mình.

Cuộc sống khốn khổ trên vỉa hè

Ngoài bại não, Lakhan còn bị câm và điếc. Nhưng theo lời bà ngoại của Lankhan, khi sinh ra cậu là một đứa trẻ mũm mĩm. Một vài tháng sau đó, cậu bị lên một cơn sốt cao, người co giật dữ dội, nhưng cũng từ đó, cậu không trở lại như bình thường dù chỉ là một lần.

Lakhan đáng thương nằm trơ trọi giữa đường phố Mumbai

Sakubai- bà ngoại của Lakhan nói chuyện trong nước mắt về đứa cháu trai của mình. Chúng tôi gặp bà tại “nhà” của bà - một khoảng đất mặt đường, ngay phía sau trạm xe buýt. Đây là nơi bà sống, bà trải chiếc áo Sari (trang phục truyền thống của người Ấn Độ) xuống và nằm ngủ ngay trên mặt đường. Mọi sinh hoạt ăn uống của hai bà cháu đều gói gọn trong khoảng đất bé xíu, tuềnh toàng giữa đất trời. 

Bà Sakubai cho biết, cha của Lakhan đã qua đời cách đây 4 năm, mẹ cậu bỏ đi nơi khác cùng đứa con gái lớn. Hiện tại, bà là người thân duy nhất của Lakhan, chăm sóc và nuôi dưỡng cậu bé tội nghiệp này. Năm nay, Sakubai đã 70 tuổi nhưng bà vẫn mải miết kiếm sống bằng nghề bán đồ chơi và nữ trang cho khách du lịch ở Chowpatty, một bãi biển nổi tiếng ở trung tâm của Mumbai.

Bà nói rằng bà không còn sự lựa chọn nào khác là trói chân Lakhan vào cột của trạm xe bus bên đường. “Nó bị điếc nên không nghe thấy tiếng xe cộ, chỉ cần nó chạy xuống đường, nó sẽ bị xe tông chết”. Bà nói và chỉ vào sợ dây thừng dài làm bằng vải sờn cũ kĩ. 

"Ngôi nhà" bên đường phố của hai bà cháu

Thiếu hụt trầm trọng cơ sở bảo trợ trẻ em khuyết tật

“Có rất nhiều trẻ em như Lakhan ở Mumbai”, Meena Mutha, một nhân viên xã hội cho biết. Mutha đã bắt đầu giải quyết trường hợp của Lakhan kể từ cuối tháng năm. Cậu bé đã được đưa vào chăm sóc sau khi một nhiếp ảnh gia chụp lại hình ảnh và đăng lên các tờ báo địa phương. Một viên cảnh sát nhìn thấy Lakhan và yêu cầu Mutha giúp đỡ.

"Khi tôi nhìn thấy cậu bé lần đầu tiên, tôi đã cảm thấy cậu bé cần được giúp đỡ. Cậu cần một ngôi nhà," Mutha nhớ lại. Bà ngoại của Lakhan đã 70 tuổi, liệu rằng 5 hay 10 năm nữa có ai chăm sóc cậu bé. Cậu cần một nơi an toàn để ở lai. 

Mảnh đời bé nhỏ trói chân bên trạm xe bus Mumbai ảnh 4

Ngoài bại liệt, Lakhan còn bị câm và điếc

Tuy nhiên, không thể tìm thấy một nơi trú ẩn cho trẻ em khuyết tật, Mutha đưa Lakhan đến một trung tâm thanh thiếu niên do chính phủ điều hành ở Mumbai. Hiện nay Lakhan đang ở đó nhưng Mutha không hài lòng bởi vì nó không phải là một ngôi nhà cho những trẻ em đặc biệt.

Và đó là vấn đề, Mutha nói. Có một sự thiếu hụt nghiêm trọng các cơ sở ở cho trẻ em khuyết tật ở Mumbai.

Tổng giám đốc của trung tâm, SA Jadhav nói Lakhan đang được chăm sóc tốt nhưng ông cũng đang cố gắng để tìm cho cậu bé một ngôi nhà phù hợp hơn. Theo Jadhav, chỉ có một cơ sở cho trẻ em khuyết tật ở Mumbai và ông không thể có được một chỗ cho Lakhan ở đó bởi cơ sở đó cũng đang quá tải nghiêm trọng.

CNN đã cố gắng nhiều lần liên hệ với bộ trưởng chịu trách nhiệm về các vấn đề phụ nữ và trẻ em ở Mumbai, bà Varsha Gaikwad, nhưng không nhận được phản hồi. Văn phòng của bà cách một đoạn ngắn từ trạm xe bus số 59, nơi Lakhan được tìm thấy.

“Nghèo và khuyết tật là sự kết hợp nguy hiểm”, tiến sĩ Shabnam Rangwala, người làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ là tạo ra một môi trường sống tốt cho người khuyết tật ở Ấn Độ cho biết.

Những đứa trẻ khác có thể được cha mẹ và những người thân trong gia đình chăm sóc, nhưng với Lakhan thì không thể. Điều tốt đẹp chỉ còn mong chờ vào các dịch vụ bảo trợ xã hội, chính phủ Ấn Độ trong việc tạo ra những trung tâm chăm sóc trẻ em khuyết tật.