Mang thai mắc thủy đậu thì có phải bỏ thai không?

ANTD.VN - Hỏi: Em đang mang thai được 10 tuần tuổi và bị thủy đậu được 6 ngày. Em rất lo lắng bệnh sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, vậy em có nên giữ thai lại hay không? Xin hãy cho em lời khuyên sớm nhất. 

Trả lời: 

Trên thực tế, không ít chị em khi mang thai mắc bệnh thủy đậu đã vội vàng nghĩ đến chuyện phá bỏ thai vì lo ngại con sinh ra bị dị tật. Tuy nhiên, những ca biến chứng như sinh con dị dạng, câm điếc rất hiếm khi xảy ra bởi bệnh thủy đậu được coi là lành tính nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Bạn nên nắm rõ ảnh hưởng của thủy đậu đến thai kỳ như sau: Nếu người mẹ bị thủy đậu vào tuần lễ thứ 8 - 12 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0,4%; Người mẹ mắc bệnh vào tuần thứ 13-20 của thai kỳ, nguy cơ này là 2%; Còn sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ, bệnh hầu như không ảnh hưởng trên thai. 

Tuy nhiên, nếu người mẹ mắc bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh người mẹ nhiễm bệnh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lây từ mẹ. Tỷ lệ tử vong với bé sơ sinh lúc này khá cao, lên đến 25-30% số trường hợp bị nhiễm.

Bởi vậy, phụ nữ mang thai bị mắc thủy đậu, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ nên thận trọng. Trường hợp bị mắc thủy đậu, thai phụ cần được nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa, nếu sốt có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol. Giữ vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ những bóng nước vì có nguy cơ bội nhiễm. Quan trọng là em cần đi khám sớm để bác sỹ kiểm tra và tư vấn kỹ hơn.