Mã hóa thông tin mật bằng da sứa

ANTD.VN - Đó là một nghiên cứu mới nhất vừa được các nhà khoa học thuộc trường Đại học Connecticut trình bày tại Hội nghị và Triển lãm Quốc gia lần thứ 52 của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ (ACS). Theo đó, một loại vật liệu mã hóa thông tin được làm từ da sứa và mực có thể làm thay đổi màu sắc hoặc kết cấu để đáp ứng với các yếu tố từ môi trường xung quanh. Đặc biệt, ý tưởng đột phá nhất của công trình nghiên cứu này là một thông điệp mã hóa có thể tự hủy sau khi chúng ta đã đọc.

Lớp da đặc biệt

Nhóm các nhà khoa học cho biết, trong nghiên cứu này, họ đã nhân rộng các đặc tính của da trong một màng phim mỏng mà có thể được tạo ra để mã hóa các thông tin bí mật hoặc tạo ra các bề mặt chống chói.

“Chúng tôi đã tạo ra các vết nứt, nếp gấp, nếp nhăn của vật liệu thí nghiệm để bắt chước các thuộc tính kỹ thuật của da sứa và mực, bởi chúng rất đặc biệt, có thể thay đổi màu sắc, trạng thái khi tiếp xúc với độ ẩm”, Tiến sĩ Luyi Sun, người đứng đầu công trình nghiên cứu cho biết.

Thông thường, đặc tính của da sẽ bị thay đổi khi tiếp xúc với độ ẩm. Vấn đề cốt lõi được các nhà khoa học xác định nằm ở các nếp gấp, nếp nhăn của làn da. Da sứa, mực có thể nhăn lại và trở nên mờ đục khi có kẻ tấn công.

Đặc biệt, khi loài mực gặp nguy hiểm, các cơ bắp của chúng sẽ co lại, ngụy trang kẻ thù bằng các sắc tố giống như môi trường xung quanh. “Bề mặt trở nên trong suốt khi nó phẳng ra”, Songshan Zeng, nghiên cứu sinh thực hiện dự án nghiên cứu cho biết. Và “tương tự như da ngón tay chúng ta, bất kỳ bộ phận nào của màng sứa khi tiếp xúc với độ ẩm đều nở ra và tạo thành những nếp nhăn”, Tiến sĩ Luyi Sun cho biết thêm.

Công nghệ mã hóa đột phá

Trong quá trình thực nghiệm, Tiến sĩ Luyi Sun cùng các cộng sự của mình đã hợp tác với Dianyun Zhang, Giáo sư về kỹ thuật cơ khí cũng thuộc Đại học Connecticut nghiên cứu 3 trạng thái da có thể làm thay đổi đặc tính để đáp ứng với điều kiện môi trường xung quanh. Theo đó, màng sứa đã được tái tạo bằng cách đặt tấm màng mỏng polyvinyl alcohol trên chất nền bê tông của polydimethylsiloxane (PDMS).

Cụ thể, trong trường hợp thứ nhất, da sứa rất phẳng và trong suốt nhưng nó sẽ trở nên nhăn nheo và mờ đục nếu có kẻ tấn công. Trường hợp thứ hai, mực có thể thay đổi màu da của mình ngay lập tức bằng cách co thắt các cơ xung quanh các tế bào sắc tố và càng tiết màu sắc nếu nó cần sự nguy trang cấp thiết. Trường hợp thứ ba là nhuộm màu sắc lên các lớp da đàn hồi tạo ra quá trình đảo ngược.

Lúc đầu, các nhà khoa học bắt đầu với tấm màng phim mỏng sau đó gắn với một lớp da dày mềm mại có tính năng đàn hồi và co giãn. Khi có lực tác động, các lớp da này sẽ được tăng kích thước tỷ lệ thuận với lực tác động khiến cho bề mặt trở nên trong suốt và tán xạ ánh sáng đi qua làm thay đổi cả độ trong suốt của vật liệu.

Trong trường hợp khác, các nhà khoa học tích hợp thông tin vào lớp da co giãn (giống như nhuộm màu vào da hay in logo của trường Đại học Connecticut mà các nhà nghiên cứu đã áp dụng), vật liệu sẽ phản chiếu huỳnh quanh rất mạnh sau khi nó được kéo giãn. Đồng thời khi đó cho phép các vết nứt hình thành hoặc biến mất, chuyển mạch huỳnh quang hay tắt để kiểm soát sự xâm nhập của tia cực tím. “Khi không còn lực tác động, các vết nứt sẽ khép lại và ánh sáng huỳnh quang cũng sẽ tắt”, Tiến sĩ Sun giải thích.

Tiếp theo đó, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một lớp phản xạ màu có mục đích hoặc tiết lộ, hoặc che giấu một thông điệp nào đó. Trên lớp phản xạ, họ sử dụng kỹ thuật phản chiếu cao oxit titan cùng với chất đàn hồi là muội than.

Ở trạng thái bình thường, vật liệu từ da sứa không phát quang, nhưng khi nó được kéo dài tạo ra ánh sáng huỳnh quang sẽ tiết lộ thông điệp. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, mức độ liên kết ngang giữa các chuỗi polymer trong màng da có thể chỉ ra rằng vật liệu có thể bị đảo ngược hay không, còn khi không có liên kết ngang, bề mặt da sẽ phẳng và thông điệp sẽ tự hủy sau khi đọc.

Để xác minh tính toàn vẹn của vật liệu mới này, Songshan Zeng đã thử nghiệm nó qua hơn 50.000 chu kỳ co giãn, cho thấy đặc tính cơ học không làm mất đi tính chất quang học của vật liệu. Hiện Sun và các đồng nghiệp vẫn đang tiếp tục phát triển vật liệu thêm tính năng tương tác cả với tia cực tím vào ban ngày.