Lý Sơn - Nơi chạm đến trái tim người Việt

ANTD.VN - Rời Hà Nội, sau 21 giờ đồng hồ di chuyển, chúng tôi đến tỉnh Quảng Ngãi và thêm 1 giờ di chuyển bằng tàu cao tốc mới có thể đến được huyện đảo Lý Sơn. 

Tặng quà các cháu học sinh trong trang phục ướt nhèm vì sóng biển

1. Những ngày tháng 3-2016, chuyến đi của chúng tôi nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày Báo An ninh Thủ đô xuất bản số báo đầu tiên. Đến Lý Sơn, hội viên phụ nữ Báo ANTĐ và các nhà hảo tâm tặng 200 suất quà cho học sinh và phụ nữ nghèo trên đảo. Tháng 2 âm lịch không phải là thời gian dành cho những người không quen đi biển. Gió cấp 5-6 thổi liên tục, nên biển cũng chẳng có phút giây ngơi nghỉ.

Sóng liên tục đánh mạnh vào thành tàu, khiến chúng tôi ai nấy đều chao đảo. Hơn 1 giờ lênh đênh trên biển, Lý Sơn hiện ra trước mắt chúng tôi. Chạm tới đảo tiền tiêu, những cơn say sóng biến mất, chúng tôi như bừng tỉnh. Một điều gì đó thiêng liêng dành cho Tổ quốc dâng trào trong lòng mỗi thành viên đoàn công tác.

2. Dù đã căn giờ rất chuẩn nhưng chúng tôi vẫn không thể chạy nhanh hơn... thời tiết. Trao quà xong cho học sinh và phụ nữ nghèo trên xã đảo An Bình, đảo bé thuộc huyện đảo Lý Sơn cũng đã hơn 13h. Cả đoàn ăn vội bữa cơm trưa muộn rồi quay về đảo lớn Lý Sơn tiếp tục hành trình tặng quà. CBCS CAH Lý Sơn và cả cán bộ xã đảo An Bình đều cam đoan chúng tôi sẽ vượt sóng thành công.

Nhưng không ngờ, hôm ấy, gió biển về sớm hơn. Với kinh nghiệm của những lần vượt sóng, Thượng úy Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ CAH Lý Sơn kéo tôi và vài người khác xuống phía đuôi ca nô để những con sóng không làm chúng tôi chao đảo. Mấy chiến sỹ trẻ của CAH Lý Sơn đi hỗ trợ đoàn, nhìn gió và đã chọn cho mình vị trí ngồi có thể dễ ướt nhất, nhường cho chị em trong đoàn công tác chỗ khô ráo hơn. 

Song, gió thổi không ngừng, vì thế biển cũng chồm lên những cơn sóng lớn nhấc bổng chiếc ca nô lên cao rồi lại đẩy xuống, khiến nước biển xuyên qua áo phao, qua mũ kê pi rồi ngấm dần vào những bộ quân phục. Mỗi lần ca nô lên đầu ngọn sóng rồi hạ xuống chúng tôi nắm chặt tay nhau chỉ sợ bị hất văng xuống biển. 

45 phút tròng trành trên biển, chúng tôi cũng cập được đảo lớn Lý Sơn. Cởi bỏ những chiếc áo phao, hiếm thấy bộ quần áo nào còn khô. Với bộ cánh ướt từ đầu đến chân ấy, chúng tôi đến trường Tiểu học An Vĩnh để trao quà tặng học sinh nghèo vượt khó.

Giữa sân trường đầy nắng, gió và bụi ấy, các em học sinh cứ tròn mắt không hiểu vì sao các cô Công an lại cứ chọn chỗ nắng nhất để đứng, trong khi bóng râm trên sân trường rất nhiều.

Đơn giản thôi, không chỉ muốn làm khô nhanh quần áo, mà chúng tôi còn muốn cảm nhận nhiều hơn cái nắng gió khắc nghiệt mà người dân trên đảo Lý Sơn phải chống chọi hàng ngày để bảo vệ điều thiêng liêng nhất - chủ quyền biển đảo quê hương.

Khâu cúc áo cho đồng đội ngay tại cầu cảng đảo Lớn Lý Sơn

3. Lý Sơn được biết đến là quê hương của hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Từ hàng trăm năm trước, những chiếc thuyền câu chở các ngư binh đã vượt sóng, gió để đến Hoàng Sa, đánh dấu và bảo vệ chủ quyền nước Việt trước sự dòm ngó của ngoại bang.

Từ đó đến nay, đời nối đời những người con sinh sống trên hòn đảo có diện tích vỏn vẹn gần 10km2 vẫn nuôi trong mình ý chí duy nhất đó. Nhắc đến những kẻ thường xuyên gây hấn trên vùng biển Hoàng Sa, chúng tôi dường như cảm nhận được sự quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc đến cùng của người dân huyện đảo, từ già đến trẻ.

Có những người như thuyền trưởng Dương Văn Giàu của xã An Tây bị tàu nước ngoài tấn công đến sạt nghiệp nhưng khi hỏi anh có chuyển vào đất liền sinh sống, anh cười hiền, cuộc đời cha anh đã gắn bó với đảo thì anh không có lý do gì để rời đảo. Anh còn đang hướng cho con trai nối nghề đi biển. “Dù mất vốn nhưng không thể để mất biển vì biển đó nhuốm máu của biết bao thế hệ người Việt Nam” - anh Giàu khẳng định.

Rồi mẹ đẻ của Thượng úy Nguyễn Thị Thu, bà cụ đã 86 tuổi, nhưng cũng khẳng khái nếu bị tấn công ở vùng biển Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, dù không còn sức lực bà cũng động viên con cháu lên đường chống giặc, không khi nào chịu cúi đầu trước kẻ thù. 

Hai ngày ở đảo Lý Sơn, gặp những người dân nơi đây, chúng tôi cảm nhận được tình yêu Tổ quốc mãnh liệt trong họ và tình yêu ấy đã truyền sang mỗi thành viên đoàn công tác. Đến Lý Sơn mới cảm nhận rõ rệt hơn về tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào và khát vọng sống, cống hiến cho đất nước, cho công việc.

Tạm biệt Lý Sơn, tạm biệt đảo tiền tiêu, mỗi thành viên trong đoàn công tác đều mang những cảm xúc khác nhau. Mong cho tương lai, Lý Sơn sẽ ngày càng phát triển, được đầu tư nhiều hơn, quy hoạch bài bản, phát triển du lịch cộng đồng, để đảo tiền tiêu bớt đi những khó khăn vất vả, yên tâm vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.