Lý luận, phê bình văn học đang mất dần vị thế

ANTĐ - Ở một lĩnh vực uyên bác như lý luận văn học, không khó để nhận ra trong giới nghiên cứu và phê bình hiện nay không mấy ai còn quan tâm. Thiếu những công trình tầm cỡ, hoặc nếu có thì vẫn chỉ là tiếp thu những lý thuyết văn học nước ngoài, đó là thực tế không khó để nhận ra ở nền lý luận văn học hiện nay. 

Lý luận, phê bình văn học đang mất dần vị thế ảnh 1Truyện Kiều đến nay vẫn còn là đối tượng bàn thảo của nhiều nhà nghiên cứu 

Khó vượt “ngưỡng” an toàn

“Hiện nay không ai làm lý luận văn học”, đó là nhận định thẳng thắn của GS.TS Trần Đình Sử, người nổi tiếng với các công trình lý luận phê bình. Theo ông, vào quãng những năm 1960-1970, các nhà lý luận phê bình văn học Việt Nam thường sử dụng cách trích dẫn những câu nói của các nhà kinh điển như Mác,  Lê nin trong các công trình nghiên cứu. Đúng hơn là trích những câu nói trong các văn kiện làm sườn, làm cốt rồi minh họa cho nó. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi nền lý luận sản sinh ra những công trình rất quy mô, nhưng thực chất chỉ là tổng thuật các ý kiến của những người đi trước, an toàn và thiếu sáng tạo. 

Lý giải cho điều này, GS.TS Trần Đình Sử đánh giá, các nhà lý luận, nhà văn bị trói buộc bởi các nguyên lý của lề thói cũ, nên bị kìm hãm không thể nói lên tiếng nói của mình. Ông cho biết: “Có một thời gian ta không được nói về tiêu cực, không nói về tham nhũng, hay gọi tên những thói tiêu cực ấy. Chỉ mô tả hành động “ôm” cũng bị khép vào đồi trụy hay một ví dụ, trước năm 1975, văn học của chúng ta chỉ nói đến chiến tranh cách mạng. Tuy nhiên, khi “Nỗi buồn chiến tranh” ra đời nó tạo ra một làn sóng bởi nó không hề đề cập đến phía nào của cuộc chiến mà chỉ ra sự tàn khốc, chết chóc, sự phi lý của cuộc chiến”. Nhưng cũng có lẽ vì thế mà “Nỗi buồn chiến tranh” trải qua một hành trình dài trước khi được chấp nhận và trả lại vị trí xứng đáng của nó. 

Vừa thiếu lại vừa yếu

Lâu nay lý luận văn học của Việt Nam vẫn bị phê là “vừa thiếu, vừa yếu”. Thiếu thì “không phải ai cũng đủ dũng cảm để xông vào” như nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã nhận định, còn yếu thì đã rõ. Ai cũng hiểu nhiệm vụ của lý luận, phê bình là phân tích tìm ra quy luật của sự vận động trong đời sống văn học, từ đó giúp nhà văn đổi mới ý thức, hỗ trợ hoạt động sáng tạo cũng như tạo sự va đập giữa tác giả với công chúng. Tuy nhiên, hiện nay, đã có ý kiến cho rằng lý luận, phê bình đã mất dần chỗ đứng trong xã hội khi nó đề cao những tư tưởng cũ, “lỗi mốt”, lạc lõng giữa thời cuộc.

Lý luận, phê bình văn học đang mất dần vị thế ảnh 2

“Trên đường biên của lý luận văn học” - tác phẩm hiếm hoi nói lên được quan điểm của tác giả về những khái niệm học thuật trong văn học

Theo dịch giả Trần Đình Hiến, người chuyển ngữ tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Mạc Ngôn - “Báu vật cuộc đời” thì lý luận hiện nay không chỉ cũ, mà quá xa vời, khó gần gũi với trình độ tiếp nhận tại các cấp giáo dục. Bản thân lý luận đã là lĩnh vực uyên bác, khô khan nên việc truyền dạy cho học sinh, sinh viên cũng cần phải được đổi mới, cải biến để phát huy được hiệu quả. 

Thực tế không phải thiếu những tác phẩm hay để làm lý luận mà là các nhà nghiên cứu chưa khai thác hết tài nguyên, các kho tàng văn học. Nói như dịch giả Trần Đình Hiến, đơn cử một tác phẩm lớn như “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du cũng còn rất nhiều khía cạnh cần tranh luận về nguồn gốc, về bản dịch, về hình tượng nhân vật… Nhưng nhiều công trình lý luận vẫn áp đặt tư tưởng chung khá chủ quan, dẫn đến “lỗ hổng”, thiếu sót trong hiểu biết của độc giả. Từ đó có thể thấy, khi đứng trước một vấn đề, các nhà lý luận, phê bình cần phải  hiểu một cách thấu đáo, cặn kẽ. 

Tất nhiên, lý luận văn học cũng bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó có ý thức hệ của một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử, đó là quan điểm của GS.TS Trần Đình Sử. Tuy nhiên, lý luận văn học của Việt Nam cần thay đổi. Ai là người làm lý luận và làm lý luận như thế nào, đó là điều đáng bàn. Nhưng bản thân người làm lý luận phải dũng cảm phá bỏ đi rào cản, nắm bắt những cái mới, điều chỉnh những quan điểm hạn hẹp, xơ cứng, không thỏa hiệp, không đứng ngoài sự vận động của đời sống văn học thì nền lý luận mới phát triển.