Lương tối thiểu có thể tăng lên 1,05 triệu đồng

ANTĐ - Thông tin từ phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hôm 1-10 cho biết, dự kiến, trong năm 2012, lương tối thiểu của cán bộ, công chức có thể sẽ tăng lên mức 1,05 triệu đồng/tháng, tương đương 26,5% (mức hiện tại là 830.000 đồng/tháng).

Tăng lương giúp công chức bảo đảm cuộc sống tốt hơn 

(Trong ảnh: Công chức Thủ đô hướng dẫn người dân các thủ tục hành chính trong

Ngày hội Cải cách hành chính)


Nhất trí phương án tăng lương

Liên quan tới nội dung cải cách tiền lương trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012, ở cả hai kịch bản tăng trưởng 6,5% và 6% của năm 2012, Chính phủ đều đề xuất phương án tăng lương tối thiểu ở mức 1.050.000 đồng. Cụ thể, với tăng trưởng GDP 6,5%, tổng chi ngân sách Trung ương thực hiện cải cách tiền lương là 49.300 tỷ đồng để điều chỉnh lương tối thiểu từ 830.000 đồng (mức hiện hành) lên 1.050.000 đồng, tăng 220.000 đồng, tương đương 26,5%. Mức tăng này cũng được áp dụng cho lương hưu và trợ cấp. Ở phương án hai, giữ nguyên mức tăng lương, song phụ cấp công vụ sẽ giảm từ 25% xuống còn 15%, nếu tăng trưởng ở mức 6%.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã nhất trí với Chính phủ về phương án tăng lương tối thiểu lên mức 1.050.000 đồng và đề nghị phụ cấp công vụ cần nâng ở mức tối thiểu là 25%. Cơ quan này còn cho rằng, đáng ra, cần đưa mức lương tối thiểu lên mức 1.100.000 đồng để bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức Nhà nước. Tuy nhiên,  đại diện Chính phủ lo rằng, nếu tăng như vậy thì cần thêm 11.000 tỷ đồng, tạo thêm áp lực cho ngân sách vốn đang rất khó khăn.

Một số ý kiến từ Ủy ban Tài chính ngân sách còn cho rằng, đến nay, việc thực hiện cải cách tiền lương còn chậm. Mức lương tối thiểu và phụ cấp công vụ ở mức thấp, chưa mang tính đột phá. Do vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ có phương án đảm bảo lộ trình tăng lương cho phù hợp. Theo đó, cần có bước cải cách tích cực hơn về mức nâng lương tối thiểu và phụ cấp công vụ cho đội ngũ công chức Nhà nước để bảo đảm đời sống và thu hút lao động trí tuệ cao ở lĩnh vực này.

“Bệnh” cũ chữa mãi không khỏi

Cũng trong ngày làm việc 1-10, UBTVQH đã có ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội, cân đối ngân sách năm 2011, kế hoạch năm 2012. Trên cơ sở phân tích toàn diện tình hình, Chính phủ đã đưa ra hai kịch bản phát triển cho năm 2012, song đề nghị lựa chọn kịch bản thấp (tăng trưởng GDP 6%) để điều hành. Ở phương án này, bội chi ngân sách vẫn là 4,8% GDP, với tổng chi 897,6 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách là 736 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 25% GDP. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 100,8 tỷ USD, tăng 12%, nhập siêu khoảng 13,6 tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% tổng kim ngạch xuất khẩu...

Cơ bản tán thành các nhận định cũng như phương án được Chính phủ đề nghị, song thẩm tra của UB Kinh tế đã yêu cầu Chính phủ đánh giá sâu sắc việc có tới 10/24 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Đa số ý kiến nhấn mạnh yêu cầu Chính phủ điều hành theo hướng “khắc khổ” hơn. Chẳng hạn, cần kiểm soát lạm phát năm 2012 ở mức một con số nhằm củng cố lòng tin của xã hội, từ đó mới có cơ sở để ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao tốc độ, chất lượng tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Trong cả giai đoạn 2011 - 2015, lạm phát bình quân được UB Kinh tế yêu cầu kiềm chế dưới 5%/năm. Một số Ủy viên UBTVQH cũng cho rằng, không nên đưa ra chỉ tiêu duy ý chí bởi thực tế trong nhiều trường hợp vẫn có sự cách biệt quá lớn giữa kết quả với chỉ tiêu đề ra.

Cho rằng chưa có sự đột phá ở những báo cáo của Chính phủ, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội đánh giá, những “bệnh” cũ vẫn còn tồn tại từ nhiều năm nay, trong đó không thể phủ nhận nguyên nhân chủ quan. Ông Phan Trung Lý nói: “Nếu cứ làm theo cách này thì cứ đề ra chỉ tiêu, rồi không thực hiện được cũng chẳng sao. Tới đây sửa Hiến pháp, tôi đề nghị xem xét tính pháp lý và căn cứ xử lý trách nhiệm điều hành của việc xây dựng và thực hiện chỉ tiêu”. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần phải bàn cho ra những giải pháp rất cụ thể thì kế hoạch mới trở thành hiện thực được... Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách cũng cho rằng: “Nên thay đổi tư duy tăng trưởng nhanh, bền vững sang phát triển bền vững vì điều kiện Việt Nam chưa đủ đạt cả hai mục tiêu tăng trưởng vừa nhanh, vừa bền vững”.