Lương tăng, người lao động vẫn khó khăn

ANTĐ - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến thời điểm này Bộ đã nhận được báo cáo tổng hợp về tình hình lương, thưởng tết cho người lao động của 29 tỉnh, thành phố. Dù mức lương đã tăng khoảng 10% so với năm 2010, nhưng đời sống của đa phần người lao động vẫn rất khó khăn.

Lương tăng nhưng chưa hẳn thu nhập của người lao động đã tăng. Ảnh minh hoạ


Lương bình quân gần 4 triệu đồng

Thống kê sơ bộ của Vụ Lao động Tiền lương - Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, năm 2011, dù điều kiện kinh tế xã hội trong nước có nhiều biến động, tăng trưởng kinh tế đạt thấp, tuy nhiên với chính sách điều chỉnh lương theo vùng và nâng mức lương tối thiểu (2 lần điều chỉnh trong năm 2011) nên thu nhập của người lao động vẫn được duy trì. Tiền lương bình quân của người lao động đạt 3.840.000 đồng/người/tháng, tăng 10% so với năm 2010. Trong đó, tiền lương bình quân của người lao động trong doanh nghiệp nhà nước đạt 4.410.000 đồng/người/tháng, doanh nghiệp FDI bình quân 3.630.000 đồng/tháng, doanh nghiệp dân doanh đạt bình quân 3.320.000 đồng/người/tháng.

Tại Hà Nội, mức lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp đã tăng mạnh so với năm 2010, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã tăng lương gấp đôi cho người lao động. Báo cáo của Sở

LĐ-TB&XH thành phố cho thấy, tiền lương bình quân năm 2011 của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước đạt 3.980.000 đồng/người/ tháng, tăng 3,3% so với năm 2010. Với các doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp, tiền lương bình quân của người lao động trong năm 2011 tăng 13,6% so với năm 2010, doanh nghiệp có tiền lương bình quân cao nhất là 7.700.000 đồng/người/ tháng còn doanh nghiệp có mức lương bình quân thấp nhất là 2.000.000 đồng/ người/ tháng. Đặc biệt, mức tiền lương bình quân cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI tăng đến 39,1% so với năm 2010, đạt 4.034.000 đồng/người/tháng, trong đó doanh nghiệp có mức lương bình quân cao nhất đạt 10.000.000đồng/người/tháng…

Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Lao động Chính sách tiền lương - Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, chính sách điều chỉnh tiền lương tối thiểu của Chính phủ quy định bắt đầu từ 1-10-2011, mức lương tối thiểu của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp không được dưới 2.000.000 đồng/ người/ tháng, vì vậy các doanh nghiệp cũng phải dựa vào cột mốc này để điều chỉnh lương. Chẳng hạn một lao động đang hưởng lương 1.500.000 đồng/ tháng trước đó, từ ngày 1-10 phải điều chỉnh lên thành 2.000.000 đồng/ tháng thì đương nhiên những người đang hưởng mức lương 2.000.000 đồng/ tháng cũng phải được điều chỉnh tăng hơn cho phù hợp.

Trông mong vào thưởng tết

Dù mức lương tăng, nhưng theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, đời sống của người lao động thực tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do sự leo thang của giá cả thị trường, mức lương tăng nhưng không đáng kể so với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng nên đời sống đa phần người lao động không được cải thiện. Mặt khác, theo các chuyên gia, lương tăng chưa hẳn thu nhập của người lao động đã tăng bởi không ít doanh nghiệp khó khăn, khi buộc phải tăng cho người lao động thì họ cũng thay đổi cách thức trả lương, chẳng hạn như tăng mức khoán sản lượng dẫn tới thu nhập của công nhân tăng ở tỉ lệ thấp hơn tăng lương cơ bản/ đơn giá sản phẩm hoặc cắt phụ cấp...

Anh Nguyễn Minh Chức, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, từ tháng 10 vừa qua lương của anh đã tăng hơn được 465.000 đồng/ tháng, thế nhưng cũng giống như toàn bộ công nhân tại dây chuyền của anh, muốn được thưởng tháng thì mỗi người phải đạt sản lượng hơn 1.000 sản phẩm/ dây chuyền/ ngày so với những tháng đầu năm, nếu không đạt thì mức thưởng tháng bị cắt giảm và tổng thu nhập cũng chỉ đạt tương đương, thậm chí thấp hơn so với trước khi được tăng lương. Thời điểm cuối năm mọi công nhân đều mong chờ khoản tiền thưởng tháng 13. “Hiện chúng tôi vẫn chưa biết năm nay mình sẽ được thưởng tết bao nhiêu, có bằng mức thưởng năm ngoái hay không nhưng nếu mức thưởng thấp quá thì chẳng biết lấy đâu ra để sắm tết…”- anh Chức nói.