Lúng túng nhận diện xe máy điện

ANTĐ - Đến nay, cả nước chưa có trường hợp xe máy điện nào được đăng ký mới. Cơ quan chức năng cũng chưa có hướng tháo gỡ cho lượng lớn xe máy điện đang thiếu giấy tờ. Trong khi đó, từ cơ quan chức năng đến người dân còn lúng túng trong nhận diện loại xe này.

Từ cơ quan chức năng đến người dân vẫn lúng túng nhận diện xe máy điện

Tràn lan xe lậu, không giấy tờ

Xe máy điện có vận tốc tối đa lên tới 40-50km/h, nhưng lại không có đầy đủ các yếu tố như không phát tiếng nổ, không có “xi nhan”… người điều khiển phần lớn là học sinh, thanh thiếu niên đang trở thành mối nguy trên đường. Bà Lê Minh Châu, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT nhận định, xe đạp điện nhập khẩu bán tràn lan trên thị trường vi phạm về nhãn mác, thương hiệu, bán hàng không hóa đơn, chứng từ… đang ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, phá hoại nền sản xuất trong nước và thất thu ngân sách Nhà nước. Ngoài hàng được nhập khẩu và lắp ráp lậu trong nước còn có một nguồn khác nhập khẩu bằng đường tiểu ngạch. Một số chủ cửa hàng tiết lộ, xe nhập theo đường tiểu ngạch còn được gọi là hàng “giả”, chủ yếu được nhập qua đường Lạng Sơn với giá 8,5 triệu đồng/chiếc, về đến Hà Nội có giá 9,1 triệu đồng. Loại xe này trôi nổi khá nhiều trên thị trường được chủ cửa hàng “trộn” vào hàng của công ty phân phối. 

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến hiện tại, Cục này đã kiểm tra được gần 1.400 xe máy điện và gần 2.500 xe đạp điện. Trong khi đó, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, cả nước có khoảng 17 triệu học sinh, sinh viên (từ bậc THCS trở lên), phần lớn đối tượng này đang sử dụng xe đạp điện, xe máy điện. Có thể nói, số xe máy điện, đạp điện được kiểm tra về an toàn kỹ thuật, môi trường còn chiếm tỷ lệ quá khiêm tốn.

Nhận thấy rõ mối nguy hiểm, mất ATGT từ loại hình xe máy điện, đặc biệt là tốc độ phát triển của loại phương tiện này gia tăng chóng mặt, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và Bộ Công an có biện pháp kiểm soát. Trong đó, yêu cầu phải cấp biển đăng ký cho xe máy điện. Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Bộ Công an cho biết, để đăng ký cấp biển số thì xe máy điện phải có nguồn gốc hợp pháp và chất lượng an toàn kỹ thuật của xe. Việc đăng ký biển số xe máy điện là thực hiện theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và đã quy định thực hiện từ năm 2009, không phải đến ngày 1-6-2014, ngày Thông tư 15/2014 có hiệu lực, Bộ Công an mới quy định phải đăng ký loại xe này. 

Thông tư 15/2014 đã có hướng tháo gỡ cho những xe máy điện sử dụng trước 1-7-2009, khi đăng ký biển số phải đó đầy đủ hồ sơ hợp pháp.  Trường hợp xe sử dụng trước 1-7-2009 nếu giấy tờ xe bị thất lạc hoặc không có giấy tờ nguồn gốc nhưng chủ xe có cam kết (có xác nhận của chính quyền địa phương) vẫn dược đăng ký, cấp biển số.  

Tiêu chí chưa rõ ràng, đầy đủ

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, việc xác định xe máy điện hoặc xe đạp điện thông qua công suất động cơ và vận tốc thiết kế lớn nhất của xe gây khó khăn cho người dân và cả lực lượng làm nhiệm vụ. Lãnh đạo Cục CSGT đường bộ, đường sắt kiến nghị Bộ GTVT có quy định hoặc hướng dẫn thêm về đặc điểm phân biệt xe máy điện và xe đạp điện. Ngoài ra, đối với lượng xe trôi nổi ngoài thị trường đang được người dân sử dụng, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Công an đề xuất biện pháp xử lý thuế, kiểm tra chất lượng, làm cơ sở đăng ký theo hướng tạo thuận lợi cho người dân. “Đặc biệt, Bộ Tài chính, Bộ GTVT cần quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu đến kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với loại phương tiện 2 bánh chạy bằng điện”, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị.

Để tháo gỡ cho số lượng xe máy điện đang được người dân sử dụng nhưng thiếu giấy tờ để làm thủ tục đăng ký, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt kiến nghị, các ngành liên quan cần có đánh giá tổng thể về thực trạng sử dụng xe máy điện, báo cáo Chính phủ đề xuất hướng giải quyết cho những xe đã mất chứng từ nguồn gốc.

Không chỉ cơ quan chức năng mà ngay cả người sử dụng hiện cũng khó phân biệt được đâu là xe đạp điện, xe máy điện. Chị Hoàng Thị Thúy ở Hai Bà Trưng chia sẻ: “Thấy có quy định xử phạt xe máy điện không đăng ký biển số nên tôi phải đi đăng ký ngay. Nhưng đến nơi thì cán bộ giải thích rằng, chiếc xe của tôi là xe đạp điện bị người bán tháo bỏ một số bộ phận để giả làm xe máy điện nhằm bán với giá cao hơn. Vì vậy, tôi phải xuất trình chứng từ chứng minh nguồn gốc, kiểu loại xe mới được đăng ký”.

Được biết, vào năm 2002-2003, xe đạp điện đã phát triển khá mạnh ở nước ta. Tuy vậy, cơ quan chức năng lại đưa ra nhận định, loại hình phương tiện này khó có đất để phát triển ở thị trường Việt Nam. Song, thực tế lại trái ngược, tỉ lệ người sử dụng xe máy điện, xe đạp điện tăng vọt, ngoài  tầm kiểm soát. Đáng lo ngại, theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Toản, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, thị trường hiện có quá nhiều loại xe máy điện được sản xuất giống xe đạp điện khiến người tiêu dùng lầm tưởng là xe đạp điện, có vận tốc lớn, khối lượng lớn nhưng trang thiết bị an toàn không phù hợp.