Luật sư nói gì về hành vi dụ dỗ, lôi kéo hàng nghìn học sinh Mê Linh nghỉ học?

ANTD.VN -Liên quan đến sự việc một số người dân huyện Mê Linh (Hà Nội) do không đồng thuận trong việc triển khai dự án Công viên tưởng niệm Thiên Đường Thanh Tước nên đã cho con nghỉ học để gây sức ép, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc làm này vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em. Hiến pháp 2013 là tiền đề, là nền tảng pháp lý để có những cải tiến mạnh mẽ, đột phá trong lĩnh vực chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Theo Điều 37 Hiến pháp 2013, trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Bên cạnh đó, Luật Trẻ em 2016 cũng quy định 25 quyền dành cho trẻ em.

Điều 16 Luật Trẻ em 2016 nêu rõ, trẻ em có quyền và bình đẳng về cơ hội được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Nhà nước trao quyền học tập cho trẻ em và bảo đảm mọi trẻ em được bình đẳng trước các cơ hội hưởng quyền học tập dù hoàn cảnh và điều kiện sống khác nhau.

Điều 11 Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009 cũng quy định, Nhà nước đảm bảo các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở trong cả nước và gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.

Trường Tiểu học Tam Đồng (huyện Mê Linh) có khá nhiều học sinh nghỉ học

Ngoài ra, Nghị định 71/2011/NĐ-CP nghiêm cấm việc lợi dụng uy tín, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng vật chất, uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học; Bắt buộc, dụ dỗ trẻ em bỏ học, nghỉ học để gây áp lực, khiếu kiện... Trong trường hợp cha, mẹ có hành vi vi phạm quyền trẻ em, Tòa án quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm.

Đồng thời, Điều 30 Nghị định 144/2013/NĐ-CP cũng quy định, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Gây rối, cản trở hoạt động của cơ sở giáo dục dành cho trẻ em; Phá hoại cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, giảng dạy của các cơ sở giáo dục dành cho trẻ em.

“Những căn cứ nêu trên cho thấy, mọi trẻ em trong độ tuổi quy định đều có quyền và có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. Nhà nước, gia đình phải có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để mọi trẻ em trong độ tuổi được giáo dục phổ cập” – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa nhấn mạnh.

Việc các hộ gia đình tự ý, cố tình cho con, cháu nghỉ học không có lý do chính đáng là vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Hành vi vi phạm pháp luật nêu trên làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em, gây cản trở đến hoạt động dạy và học trong các nhà trường, thậm chí có thể tác động tiêu cực đến tinh thần của trẻ (hoang mang không hiểu vì sao bản thân phải nghỉ học, sự lo lắng khi không đến trường, việc phải học bù sau những ngày nghỉ học không phép)...

Để giải quyết triệt để sự việc trên, để mọi trẻ em trong độ tuổi đi học được trở lại trường, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật quy định về quyền trẻ em, nghĩa vụ của người trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em… đồng thời xem xét, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi kích động, dụ dỗ, lôi kéo, cản trở không cho trẻ đến trường - Luật sư Nguyễn Tiến Hòa đề xuất.