Luật Giá và “làm giá”

ANTĐ - Pháp lệnh giá ra đời từ năm 2002, có lẽ là một trong số ít pháp lệnh có “tuổi thọ” cao nhất, đến nay mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Giá, theo hướng quản lý giá bằng pháp luật. Xung quanh dự Luật này không ít ý kiến tỏ ra lo ngại về tính khả thi khi đi vào cuộc sống.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dự Luật Giá chưa làm nổi bật được những điểm đột phá, những sửa đổi căn bản. Chưa làm rõ được chất lượng pháp luật khi nâng Pháp lệnh giá lên thành luật.

Đặc biệt, nhiều nội dung chưa thực sự phù hợp với cơ chế thị trường, thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào quy luật cung - cầu. Một Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực trạng giá hiện nay có cảm giác Nhà nước can thiệp quá sâu, làm méo mó thị trường. Nhà nước phải quản lý điều hành như thế nào cho phù hợp bằng pháp luật, kiểm tra, giám sát phải tôn trọng quy luật vận động của giá cả thị trường.

Không riêng ở Việt Nam, giá cả luôn là vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp của mọi nền kinh tế. Nó không chỉ là “thước đo” phản ánh sự điều hành của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, mà còn là chiếc “nhiệt kế” đo sự “nóng lạnh” của đời sống xã hội cũng như phản ứng của dư luận. Từ giá vàng, đô la, giá bất động sản cho đến giá cả lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, điện nước, xăng dầu… Đơn cử, thuốc chữa bệnh là mặt hàng thiết yếu, nhưng trong 20.000 mặt hàng thuốc mà chỉ quản lý được giá một số loại thuốc. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đặt câu hỏi: Luật Dược đã có từ nhiều năm nhưng giá thuốc vẫn không quản lý được.

Mới đây, lại đề xuất tăng giá 350 loại dịch vụ y tế thì giá này quản lý như thế nào hay cuối cùng người dân phải chịu thiệt? Liệu Luật Giá có khắc phục được những rắc rối, “tù mù” giá xăng đang trở nên “nóng bỏng” trong dư luận xã hội? Chịu trách nhiệm thẩm tra dự án Luật Giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận xét, muốn chấm dứt tình trạng tranh cãi giá xăng dầu giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương phải công khai, minh bạch từ luật đến nghị định. Nếu chưa rõ ràng sẽ dẫn đến xung đột lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nếu không hài hòa lợi ích, để bên nặng, bên nhẹ thì xung đột sẽ còn diễn ra. Nước ta đã có Luật Chống độc quyền, để chống độc quyền xăng dầu dẫn đến sự thao túng về giá, vấn đề then chốt vẫn là chống độc quyền trong phân phối. Việt Nam có một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dẫn đến những bức xúc về độc quyền thì về lâu dài sẽ phải có cơ chế để chống độc quyền, đảm bảo lợi ích cả ba phía.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần xác định rõ những loại hàng hóa, dịch vụ nào phải định giá như dịch vụ y tế, giáo dục, xăng dầu… Vấn đề quan trọng hơn là áp dụng bình ổn mặt hàng nào, không thể cứ lấy ngân sách bù mãi. Bình ổn càng nhiều càng bóp méo thị trường, phải có chính sách hỗ trợ hộ nghèo về xăng dầu, viện phí, học phí. Không bình ổn tràn lan, không phá vỡ nền kinh tế thị trường.

Luật Giá được cả xã hội trông đợi với hy vọng giá cả công khai, minh bạch, chống độc quyền, chống “làm giá”. Với “giá” nào thì người dân cũng phải chấp nhận, song quan trọng là cân bằng, hài hòa lợi ích, chứ không thể lợi ích bên nặng, bên nhẹ.