Lựa chọn của Việt Nam trong thế giới đầy biến động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong buổi thuyết trình tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) ở Thủ đô Washington D.C

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) ở Thủ đô Washington D.C

Cơ hội và thách thức đan xen trên toàn cầu

Trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chiều 11-5 (theo giờ địa phương) đã có bài thuyết trình tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) ở Thủ đô Washington D.C. Phát biểu thuyết trình của Thủ tướng Phạm Minh Chính được CSIS tường thuật trực tiếp trên các nền tảng công nghệ.

Chuyến công du của người đứng đầu Chính phủ nước ta diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có nhiều biến động sâu sắc, nhanh chóng, khó lường. Vì thế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hơn lúc nào hết, tất cả chúng ta, cả các chính phủ và giới học giả, cần tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ các ý tưởng để cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Có lẽ không mấy ai khi bước sang thế kỷ 21 lại có thể dự báo được thế giới sau hơn 22 năm bước vào thập niên thứ ba lại phải đối mặt với thời điểm khó khăn nhất sau Chiến tranh Lạnh như hiện nay dù rằng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là nguyện vọng thiết tha của nhân dân thế giới. Toàn cầu hóa, liên kết kinh tế quốc tế, kinh tế thế giới đứng trước những cơ hội phát triển mới, nhất là với những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, song các chuyển dịch địa chính trị, địa kinh tế, và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cùng những thách thức an ninh phi truyền thống như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu… đang tạo ra những thay đổi bước ngoặt trong cục diện thế giới với nhiều nhân tố khó dự báo, tác động đa chiều tới môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia.

Sau Chiến tranh Lạnh, khi mà nguy cơ xảy ra chiến tranh, xung đột quy mô lớn được cho là giảm đi thì thế giới lại ngày càng quan tâm, lo lắng về những thách thức an ninh phi truyền thống. Tuy nhiên, người bi quan tới đâu cũng khó có thể ngờ một dịch bệnh truyền nhiễm như đại dịch Covid-19 lại trở thành một thách thức an ninh phi truyền thống gây hậu quả nghiêm trọng tới vậy với hơn 500 triệu người nhiễm bệnh và hơn 6 triệu người tử vong, làm đảo lộn hoàn toàn đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu.

Cũng ít ai có thể hình dung ra xung đột quân sự lại luôn là một nguy cơ thường trực với nhiều điểm nóng dễ bùng phát trên thế giới. Đặc biệt, không mấy ai có thể dự báo một cuộc xung đột quy mô như cuộc xung đột Nga - Ukraine lại xảy ra ngay giữa lòng châu Âu - khu vực được cho phát triển hàng đầu thế giới, gây ra những hệ lụy to lớn đối với tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội không chỉ với châu lục này mà trên toàn cầu.

Vì thế, trong bài thuyết trình tại CSIS, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng, thế giới về tổng thể là hòa bình - về cục bộ vẫn có chiến tranh; về tổng thể là hòa hoãn - về cục bộ vẫn có căng thẳng; về tổng thể là ổn định - về cục bộ vẫn có xung đột. Theo người đứng đầu Chính phủ nước ta, nguy cơ chiến tranh, bất ổn định gia tăng, kinh tế thế giới gặp nhiều rủi ro trong khi cạnh tranh, đối đầu đang dẫn đến sự phân tách cả về chính trị, an ninh và kinh tế.

Bên cạnh đó, những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh con người, an ninh mạng… tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia và những nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.

Sẵn sàng đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển

Trước một thế giới với đầy đủ cả những cơ hội, thuận lợi, thách thức, khó khăn đan xen đó, mỗi quốc gia không dễ lựa chọn, đưa ra quyết định để ứng phó, vượt qua. Mỗi cách thức giải quyết, lựa chọn không chỉ ảnh hưởng tới đường hướng phát triển của mỗi quốc gia mà còn tác động tới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng trên toàn cầu.

Phát biểu tại CSIS uy tín hàng đầu thế giới về các vấn đề chiến lược toàn cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với thế giới hiện nay. Theo Thủ tướng, chính việc thiếu vắng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực. Thiếu sự chân thành, tin cậy là nhân tố cản trở nghiêm trọng hợp tác song phương giữa các quốc gia cũng như hợp tác đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu.

Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia. Đồng thời, mỗi quốc gia cần hành xử một cách có trách nhiệm, thể hiện trước hết ở việc tuân thủ những cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng thể chế chính trị mà mỗi nước đã lựa chọn và được nhân dân ủng hộ, đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế tùy theo khả năng của mình. “Chúng ta cần đề cao đối thoại để hiểu biết hơn về nhau, góp phần giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn giữa các quốc gia” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ nước ta nêu rõ, đối thoại, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau là một trong những phương thức giải quyết hữu hiệu nhất đối với những tồn tại giữa các quốc gia cũng như trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Trước những biến động phức tạp, khó lường trên toàn cầu, chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc và có trách nhiệm, không để phương thức chủ đạo này bị phá vỡ vì bất cứ lý do gì. Chỉ có đầy đủ sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, các nước mới có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra một cách thực chất, hiệu quả.

Tại diễn đàn CSIS mà nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã có những bài thuyết trình nêu bật chính sách đối ngoại của các quốc gia, Thủ tướng nước ta khẳng định, là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào đối thoại và hợp tác, sẵn sàng đóng góp vai trò chủ động, tích cực, phù hợp với tiềm lực và vị thế của mình.

Trước hết, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn thể hiện sự chân thành, nhất quán, minh bạch trong xây dựng, triển khai đường lối đó.

Lãnh đạo Chính phủ ta nêu rõ: “Giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hòa bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau”.

Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng. Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các khác biệt, bất đồng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của các đối tác, các quốc gia, cộng đồng quốc tế.