Lòng thành kính phải được thể hiện đúng chỗ

ANTĐ - Thời gian gần đây, trên vỉa hè phố Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học (Hà Nội), đoạn tiếp giáp với góc tường của Văn Miếu - Quốc Tử Giám thường xuyên diễn ra các hoạt động thắp hương, cúng lễ và đốt vàng mã (người dân quen gọi đây là miếu Hai Cô). Tầm chiều tối cho tới nửa đêm việc cúng lễ trở nên nhộn nhịp, đặc biệt là vào các dịp tuần rằm, mồng một, khiến cho vị trí này bỗng nhiên trở thành điểm nóng về ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, cũng như an toàn phòng chống cháy nổ. Không ít câu hỏi đặt ra, miếu Hai Cô thờ ai trong khi không có đơn nguyên kiến trúc nào tồn tại? Câu chuyện hình thành thế nào, cũng như thời điểm nào xuất hiện việc thờ cúng trên?

Cảnh cúng lễ, đốt vàng mã trước đây trên vỉa hè

phố Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học nơi được gọi là miếu Hai Cô

Lời đồn và những dị bản

Theo một số người dân sống quanh khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám kể lại thì thời Pháp thuộc, tại ngã tư này có tuyến tàu điện Bờ Hồ - Cầu Giấy và Bờ Hồ - Hà Đông chạy qua, có hai cô gái không may bị tai nạn và chết. Cảm thương cho hai cô gái xấu số, người dân sống gần đó lập bát hương thờ và để dưới gốc gạo. Việc thờ cúng đó được tiếp nối cho tới tận bây giờ.

Có một chuyện khác cho rằng, có một cô gái bị tai nạn chết tại đây, gia đình thương nhớ đã đến đây đặt bát hương thờ cúng, dần dà người dân quanh đó cũng mang hương hoa ra thờ. Tuy nhiên, theo khẳng định của một số cán bộ nghiên cứu văn hóa thì khởi phát của miếu Hai Cô gắn với tên tuổi của một người phụ nữ tên là Tư Hồng sống tại Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX - vợ của một quan ba Pháp. Chính bà Tư Hồng là người đã cho xây một ngôi miếu nhỏ dưới gốc cây đa. Việc có hay không sự tồn tại của miếu Hai Cô, nguồn gốc cũng như thời điểm hình thành đều hết sức mơ hồ.

Nhà văn Băng Sơn, một người am hiểu về văn hóa, lịch sử Hà Nội, lúc sinh thời từng khẳng định rằng, trong sử liệu Hà Nội xác định rõ khu vực này chưa bao giờ có miếu Hai Cô và không hề có một công trình xây dựng nào như vậy. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo cũng cho biết, miếu Hai Cô có lịch sử không rõ ràng và cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào đủ chứng cứ thuyết phục giới nghiên cứu. Trong cuốn sách, “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX” của tác giả Nguyễn Văn Uẩn, một công trình điền dã về Hà Nội trước những năm 1950 rất có giá trị, cuốn sách dành nhiều trang viết về địa điểm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng như phố Hàng Bột (cũ) nhưng cũng không thấy nhắc đến sự tồn tại của miếu Hai Cô.

Có một số nhà khoa học khác đưa ra lý giải liên quan đến tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, họ cho rằng, địa điểm này khi xưa từng có một cây đa - xuất phát từ câu nói “Thần cây đa, ma cây gạo” (lại cũng có dị bản, rằng không phải cây đa mà là cây gạo, cây hoàng lan cổ thụ…) và gốc tích của ngôi miếu này có liên quan đến tục thờ những cây cổ thụ của người Việt. Bởi tại vườn hoa Văn Miếu hiện nay còn rất nhiều loài thực vật, đặc biệt là cây cổ thụ.

Sau rất nhiều nỗ lực vận động nhân dân cùng thực hiện, vỉa hè đã được trở lại phong quang

Những phiền toái gây ra cho đô thị

Thời gian trước, các hoạt động cúng lễ tại đây chỉ nhộn nhịp vào tuần rằm mồng một, kéo dài từ sẩm tối cho tới khuya và cũng chỉ có sự tham gia của những người dân sống quanh khu vực Văn Miếu. Khoảng vài năm trở lại đây, các hoạt động cúng lễ diễn ra vào khắp các ngày trong tuần, thành phần tham gia cũng đa dạng hơn, nhưng theo ghi nhận thì lứa tuổi thanh niên chiếm tới 60% và tỷ lệ nam giới chiếm đa số. Và đương nhiên, họ đến đây cúng lễ chỉ với một suy nghĩ đơn giản “nghe nói ở đây thiêng lắm, cầu được ước thấy” chứ không có mấy người hiểu rõ căn nguyên cũng như giai thoại hình thành địa điểm miếu Hai Cô này. 

Góc vỉa hè trên phố Nguyễn Thái Học - Tôn Đức Thắng không rộng, chỉ chừng vài mét vuông, giờ cao điểm, vỉa hè đông, người cúng lễ tràn cả xuống đường, xe máy dựng ngổn ngang khiến ngã tư trở nên ùn tắc. Như một hiện tượng tất yếu trong xã hội, có cầu ắt hẳn có cung, một số hộ dân gần đó “bung” ra với đủ các loại hình dịch vụ ăn theo như bán vàng mã, hoa quả… Các dịch vụ biện lễ ở đây được thực hiện rất chuyên nghiệp. Giá cả một mâm lễ dao động từ 40 đến 200 nghìn đồng, nếu ai có nhu cầu cần người khấn hộ sẽ nhanh chóng được đáp ứng. Cuối lễ, người chen người đốt vàng mã, lửa, khói, tro theo gió bay khắp phố… Nhiều người đi qua giật mình lo ngại cho sự an toàn của Nhà Thái học - vốn chỉ cách đó vài chục bước chân.  

Bao đời nay, ông bà ta có dạy, phàm đi lễ chỉ nên cầu bình an. Vào đền, vào chùa hay những công trình tín ngưỡng, người ta chỉ thắp một nén hương thơm bày tỏ lòng thành. Nhưng giờ việc lễ lạt được quan niệm như một sự bảo hiểm cho cuộc sống vốn nhiều bon chen. Cơ chế xin cho của “người trần mắt thịt”, quan niệm “tốt lễ dễ van” lan sang cả cửa Thánh, cửa Phật. Vậy là cứ lễ trọng mà cầu. Sự việc xảy ra ở sát tường rào phố Nguyễn Thái Học - Văn Miếu cũng là một ví dụ. Có lẽ, người lập ra ngôi miếu này (nếu có) hẳn sẽ không thể hình dung được, có một ngày nơi đây lại trở thành một tụ điểm phức tạp về giao thông lẫn an ninh trật tự. Và trên hết, lòng thành kính hay tín ngưỡng tâm linh rất cần được đặt đúng chỗ.

Vận động di dời, đảm bảo tín ngưỡng và mỹ quan

Trước tình trạng thường xuyên tắc nghẽn giao thông cũng như gây mất an ninh trật tự, tháng 7 - 2008, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu lập lại an ninh trật tự tại khu vực này. Công an quận Đống Đa đã tiến hành động viên, nhắc nhở người dân không thực hiện hành vi cúng lễ ở góc vỉa hè chật chội và nguy hiểm, một mặt đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ cho Văn Miếu, đồng thời vận động người dân đưa bát hương về đặt tại một di tích trên địa bàn. Như thế, vừa đảm bảo người dân vẫn có nơi thực hiện tín ngưỡng, tránh việc thờ cúng nơi vỉa hè, không đảm bảo tôn nghiêm. Cùng với đó, Công an quận Đống Đa còn thành lập các tổ công tác, thường xuyên có mặt để nhắc nhở người dân. Việc này về cơ bản thực hiện được một thời gian dài. Tuy nhiên, sau khi tổ công tác rút đi thì mọi việc đâu lại đóng đấy. Theo nhận định của Trung tá Lê Quân, Đội trưởng Đội An ninh - Công an quận Đống Đa, việc “đâu lại đóng đấy” là do chưa thực hiện bài bản,  triệt để và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trên địa bàn chưa đồng bộ. 

Mới đây nhất, ngày 8-11-2012, được sự chỉ đạo của UBND quận Đống Đa, một lần nữa Công an quận phối hợp cùng các ngành, các cấp trên địa bàn đứng ra vận động người dân đưa bát hương đang được thờ cúng tại địa điểm được gọi là miếu Hai Cô về thờ tự tại đền Sòng Sơn (35 phố Tôn Đức Thắng - Hà Nội). Theo một cán bộ văn hóa của UBND quận Đống Đa, việc làm này nhằm đảm bảo tín ngưỡng của người dân, hơn nữa cũng đảm bảo sự tôn nghiêm, bởi không ai thờ cúng thần thánh ngoài vỉa hè cả. Cho tới thời điểm hiện tại, sau tròn 1 tháng triển khai vận động, việc làm này của quận Đống Đa đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân. Hiện Công an quận cũng thành lập một tổ công tác, thường xuyên ứng trực 24/24h để nhắc nhở người dân. Đại tá Bùi Văn Đại- Trưởng Công an quận Đống Đa khẳng định: “Chúng tôi luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân, tạo điều kiện tối đa cho người dân thực hiện tín ngưỡng, nhưng phải đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, quan niệm của người Việt về tín ngưỡng vốn là “vạn vật hữu linh”. Nhưng xét về một mặt nào đó, tụ tập cúng bái ở nơi công cộng mà cụ thể là góc vỉa hè chật hẹp ồn ào và nguy hiểm, lại đúng ở khúc quanh rẽ phải từ phố Tôn Đức Thắng ra Nguyễn Thái Học thì hoàn toàn không nên. Song, để việc này không tái diễn cần phải có giải pháp thay thế, cụ thể là vận động và hỗ trợ người dân di dời một cách trang trọng. Như vậy,  nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân vẫn được tôn trọng mà an ninh trật tự và mỹ quan đô thị không bị ảnh hưởng xấu, vì lợi ích chung của cộng đồng.

“Mong mọi người cùng có ý thức”

Lòng thành kính phải được thể hiện đúng chỗ ảnh 3

Là người dân sinh sống ngay trong khu vực, bản thân tôi cũng cho rằng, cúng bái, thờ phụng cần phải có nơi có chốn chứ không thể ra vỉa hè, lề đường - nơi vốn thừa xô bồ, thiếu tôn nghiêm. Trước khi có lực lượng túc trực, tại đây liên tiếp xảy ra tình trạng mất trật tự, an toàn giao thông, gây mất mỹ quan đô thị. Chúng tôi cũng thường xuyên giải thích, nhắc nhở những người dân đến đây để cúng lễ. Khi được giải thích cặn kẽ, họ đều chấp hành nghiêm chỉnh. Tuy vậy, mặc dù chỉ là trực luân phiên nhưng trong lúc Hà Nội đang trở lạnh như thế này, lực lượng ứng trực vô cùng vất vả. Chỉ mong người dân hiểu được những khó khăn của chúng tôi, cùng có ý thức góp phần bảo vệ cảnh quan, an ninh trật tự tại đây. 

Ông Lê Văn Tý (76 tuổi, Đội tự quản phường Cát Linh)