Thời gian đầu, nhiều người dân còn băn khoăn về tính hiệu quả của các quyết định này, nhưng những chế tài xử lý mang tính cứng rắn, tất cả vì mục đích chung làm đẹp cho Thủ đô dần đi vào lòng người trong đó có các hộ kinh doanh buôn bán. Sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị chức năng trong đó chủ công là lực lượng CSTT, “căn bệnh” lấn chiếm vỉa hè lòng đường bấy lâu nay tưởng chừng khó có thuốc chữa đã được người dân chấp hành một cách nghiêm túc.
Trong suốt 2 năm đầu triển khai, không khí “dọn dẹp” vi phạm vỉa hè, đường phố diễn ra sôi nổi, hào hứng. Quyết liệt nhất vẫn là năm 2010 khi thành phố và cả nước tưng bừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, sang đến năm 2011 nhất là về những tháng cuối năm, dường như rất ít người còn “nhớ” tới 2 quyết định trên. Minh chứng, hàng loạt các tuyến phố nằm trong danh mục cấm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, các vi phạm đã rầm rộ tái xuất. Điển hình phải kể đến các tuyến phố như Nguyễn Thái Học, Bà Triệu, Phố Huế... Nếu như trước kia người dân đi bộ có thể “thênh thang” bước thì nay hàng quán đã vây kín và đẩy họ xuống lòng đường. Không chỉ ban ngày, vi phạm này còn diễn ra công khai và mang tính hệ thống, liên hoàn suốt cả buổi tối, về đêm.
Lý giải thực trạng này, một đại diện của Phòng CSTT-CATP Hà Nội khẳng định, hàng ngày, hàng tháng đơn vị vẫn đốc thúc CSBC trong đó có cả lực lượng CSTT của công an các phường tăng cường xử lý vi phạm. Nhưng có một nghịch lý kết quả xử lý vi phạm trong năm 2011 so với cùng kỳ năm 2010 giảm tới 21.350 trường hợp trong khi đó vi phạm lại gia tăng hơn trước. Dù có biện minh với bất kỳ lý do nào đi chăng nữa nhưng nhìn vào thực tế, rõ ràng trách nhiệm duy trì, giữ vững và đẩy mạnh các quyết định trên của những đơn vị này đã “lỏng” hơn rất nhiều so với thời gian đầu.