Lớn chậm lại mà chờ

ANTĐ - Một nghiên cứu vừa được Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam công bố cho thấy, nếu một đứa trẻ lớn lên trong môi trường thiếu bố hay mẹ hoặc cả hai thì dễ bị tổn thương tâm lý như trầm cảm, lo âu, lạnh lùng, hung bạo...

- Một môi trường không bình thường, tất yếu đứa trẻ sẽ lớn lên không bình thường. Thôi thì hy vọng ông bà bù đắp được phần nào. 

- Chưa chắc. Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, để trẻ sống với ông bà lại khiến chúng dễ bị “lão hóa”, chậm chạp, thậm chí còn hấp thụ nếp sống, nếp nghĩ cổ hủ. Chưa kể, không ít ông bà già lương hưu chẳng đủ sống, nhất là ở nông thôn cũng phải xoay xở lo miếng ăn còn đâu thời gian quan tâm, chăm sóc chuyện học hành, kỹ năng sống cho cháu mình. 

- Vậy thì hàng vạn người mẹ trẻ trong các khu công nghiệp sẽ phải địu con trên lưng vào nhà máy như phụ nữ miền núi đi rẫy sao? Gửi con vào nhóm trẻ tự phát thì lo bảo mẫu dữ tợn như... “cô nuôi dạy hổ”, mà gửi về quê thì...

- Không thể ngồi nhìn trẻ nhỏ bơ vơ, vất vưởng như thế, Bộ Giáo dục vừa có chỉ thị, từ năm 2015 khi phê duyệt quy hoạch các khu công nghiệp bắt buộc phải có trường lớp mầm non cho trẻ dưới 36 tháng tuổi. 

- Hiện còn hàng chục khu công nghiệp chưa được lấp đầy, làm sao “lấp đầy” khoảng trống trường lớp cho con cái người lao động?

- Giờ chưa đủ thì lớn chậm lại mà chờ đến năm 2020 sẽ có đủ trường lớp. Làm mọi chuyện hệ trọng đều phải có lộ trình chứ!