Lợi lạc và lợi nhuận

ANTD.VN - Phần đông các nhà đầu tư và các lãnh đạo, cấp quản lý của các doanh nghiệp nhìn vào lợi nhuận và các chỉ số liên quan tới lợi nhuận để ra quyết định. 

Điều này hoàn toàn đúng bởi một doanh nghiệp không có lợi nhuận thì không thể tồn tại được. Tuy nhiên, gần đây,  các nhà đầu tư, kinh doanh hiện đại  đã nhìn sâu hơn vào phát triển kinh tế, coi lợi nhuận chỉ là một điều kiện cần nhưng chưa đủ. Lợi lạc là một khái niệm mới mà trong ngôn ngữ hiện đại được gọi là phát triển bền vững. Điều này liên quan tới cái lợi không chỉ là dành cho nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp mà cho toàn bộ chuỗi cung ứng và cả thị trường mà sản phẩm, dịch vụ được cung cấp.

Trong công tác thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thế giới, một số doanh nghiệp đã coi sự lựa chọn các ngành hàng cũng như đầu tư chiều sâu hơn vào phát triển bền vững là một yếu tố chiến lược. Những thương hiệu này có quyết tâm cháy bỏng, không còn mong muốn núp bóng và làm thuê cho các thương hiệu nước ngoài nữa. Đó chính là cái nhìn và cách làm bền vững lâu dài cho một tương lai xa hơn của sản phẩm và thương hiệu Việt.

Song song với xuất khẩu hàng hóa, những dự án trong nước có tầm nhìn và chiều sâu vào phát triển bền vững cũng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây, ngày 6-5, Tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư VietCham tại Singapore đã mời được quỹ đầu tư tài chính World Gold tại Singapore cam kết sẽ đầu tư vào Công ty CP phát triển Việt Nam toàn cầu (VNI) để cùng phát triển các hoạt động kinh doanh của VNI, đặc biệt là các dự án kinh doanh tiêu dùng, thực phẩm sạch, nhà hàng sạch…

Dự kiến tổng vốn đầu tư cho VNI lên tới 15 triệu USD trong giai đoạn 2017-2019 nếu các mô hình của VNI hoạt động hiệu quả. Đại diện World Gold cũng cho biết, quỹ này dành sự quan tâm và đầu tư cho mô hình “Từ nông trại đến bàn ăn” do VNI phát triển tại thị trường Việt Nam, bao gồm: Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Gonfarm và chuỗi Nhà hàng Gontasty. Hiện tại, đã có 5 cửa hàng thực phẩm sạch Gonfarm đi vào hoạt động ổn định tại Hà Nội và TP.HCM, cùng 1 Nhà hàng Buffet lẩu từ thiên nhiên Gontasty tại tầng 6 - Trung tâm thương mại Vincom Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội.

Quan sát các chính sách của Singapore đối với Việt Nam, chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi, vì sao Singapore lại không nhập các loại thịt, trứng, sữa từ Việt Nam? Phải chăng đó là vì đã có sự đánh giá về sự phát triển những sản phẩm này là không bền vững, không đáng tin hay có nghi ngờ về việc quản lý chất lượng những sản phẩm này tại Việt Nam? Khi mà quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam ngay tại lãnh thổ Việt Nam không được đáp ứng và bảo vệ thì liệu chúng ta có thể mong mỏi các nước khác chấp nhận nhập khẩu các sản phẩm không theo một kế hoạch phát triển và tiêu chí bền vững?

Như vậy, không chỉ để đáp ứng xuất khẩu bền vững mà còn để kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt hơn bao giờ hết  cần quan tâm sâu sắc hơn tới các yếu tố bền vững, lợi lạc lâu dài cho toàn bộ chuỗi cung ứng cũng như người tiêu dùng, thay vì chỉ nhìn vào lợi nhuận ngắn hạn, kiểu “ăn xổi". Chỉ có như vậy, dòng hàng chảy ra thế giới và dòng tiền đầu tư từ ngoài chảy vào Việt Nam mới có thể bền vững, tăng trưởng và không giới hạn.