Lợi dụng giấy ủy quyền để cướp đất

ANTĐ - Thời gian gần đây, nhiều vụ án lừa đảo về “Hợp đồng ủy quyền” (HĐUQ) nhà đất đã được cơ quan chức năng khám phá. Điều đáng nói, hầu hết các bị hại trong những vụ án này đều thiếu hiểu biết pháp luật nên đã bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm nhà, chiếm đất.


Những nạn nhân của “Hợp đồng ủy quyền”

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt QSDĐ (“sổ đỏ”) có chiều hướng ngày càng gia tăng. Có những vụ án sau khi được cơ quan CSĐT vào cuộc cho thấy, các đối tượng lừa đảo cùng một chiêu thức: cho người bị hại vay một khoản tiền nhỏ rồi dụ dỗ người bị hại chuyển toàn bộ QSDĐ và tài sản trên đất qua một văn phòng công chứng (VPCC) hay phòng công chứng (PCC) nào đó. Khi có được HĐUQ trong tay, chủ nợ liền bán sang tên cho người khác. Điển hình là trường hợp bà Phan Thị Nguyệt trú tại P4 dãy 8, tập thể Ngoại Thương, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội.

Đầu năm 2010, thấy ngôi nhà cấp 4 của mình đã xuống cấp cần phải sửa chữa lại, bà Nguyệt đã đi khắp nơi để vay khoản tiền 300 triệu đồng mà không được. Qua người quen giới thiệu, bà tìm đến Công ty TNHH Hoàng Mai để nhờ làm thủ tục vay tiền. Sau đó, bà Nguyệt đã được bà Lưu Thị Hoàng Mai - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Mai đồng ý cho vay 300 triệu nhưng chỉ được nhận trước 150 triệu đồng kèm với điều kiện: Bà Nguyệt phải giao “sổ đỏ” cùng hợp đồng công chứng ủy quyền sở hữu ngôi nhà của mình cho bà Mai để làm thủ tục thế chấp vay vốn ngân hàng. Bất ngờ vào một ngày đầu tháng 4-2010, nhiều người lạ mặt đến nhà của bà Nguyệt dọa nạt, đòi quyền sở hữu căn nhà. Lúc này bà Nguyệt mới biết căn nhà đã bị bà Mai bán cho người khác. Vội vàng trả cả gốc lẫn lãi cho chủ nợ, nhưng bà Nguyệt vẫn không thể đòi lại cuốn “sổ đỏ” mà bà Mai đang giữ. Cho đến tháng 6-2011, người mua nhà của bà Mai đã kiện… bà Nguyệt ra TAND quận Đống Đa để giải quyết về việc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà.

Không thể nén nổi bức xúc khi trao đổi với phóng viên, bà Nguyệt kể lại sự việc trong nước mắt: “Gia đình tôi là gia đình liệt sỹ (bà Nguyệt là con dâu của liệt sỹ Huỳnh Sang - PV) chỉ có duy nhất mảnh đất để ở. Vậy mà bà Mai đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của tôi để chiếm đoạt. Nếu mất mảnh đất này thì gia đình tôi sẽ biết đi đâu, về đâu?”.

Cùng cảnh với bà Nguyệt, gia đình bà Nguyễn Thị Nương (ở B16 tập thể Công ty May 10, thị trấn Sài Đồng, Gia Lâm) cũng rơi vào tình thế khốn khổ. Vì cần vay 350 triệu đồng để đầu tư trang trại, bà Nương đã đưa “sổ đỏ” cho Nguyễn Thu Hợp (SN 1972, trú tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) để thế chấp. Dù đưa “sổ đỏ” đã lâu nhưng số tiền nhờ Hợp vay chưa thấy đâu thì một thời gian sau, bỗng nhiên có người đến đòi nhà và đưa ra bản hợp đồng chuyển nhượng ngôi nhà của bà Nương cho người đó với giá… 1,1 tỷ đồng. Sau khi vụ việc được CQĐT vào cuộc và làm rõ, Nguyễn Thu Hợp là một trong những đối tượng nằm trong đường dây lừa đảo “sổ đỏ” lớn. Đặc biệt trong đó có cả Phạm Tuấn Anh (SN 1969, trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) đã cùng Hợp lừa 58 “sổ đỏ” của người khác đem thế chấp, bán thông qua hàng loạt HĐUQ có công chứng, với nội dung bên nhận “sổ đỏ” sẽ giúp vay vốn.

Đừng vì thiếu hiểu biết

Theo Luật sư Nguyễn Mai Anh (Đoàn LSTP.Hà Nội): “Thực trạng nhập nhèm trong các giao dịch thế chấp QSDĐ có nguyên nhân từ nhiều quy định pháp luật còn khó hiểu, và sự thiếu hiểu biết của nguời dân khi tham gia các giao dịch dân sự. Trong bối cảnh hiện nay, các bên nên có sự tư vấn luật sư khi tham gia giao dịch liên quan đến bất động sản của hộ gia đình, cá nhân. Bởi những kẻ lừa đảo chỉ có thể dùng “sổ đỏ” của nguời không hiểu biết đầy đủ về chế định ủy quyền nên tìm cách nẫng đi mảnh đất và các tài sản trên đất của bị hại. Bên cạnh đó, các VPCC, PCH lại không phải và cũng không có chức năng tư vấn pháp luật nên các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các bị hại”.

Một công chứng viên chia sẻ: “Những trường hợp trên không phải là hãn hữu. Vì đồng tiền, ngay cả công chứng viên và những người mua lại mảnh đất được chuyển nhượng đó đã thông đồng cùng các đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt mảnh đất của những nạn nhân trên. Như vậy, để đảm bảo cho giao dịch thế chấp trên thì trong hợp đồng chuyển nhượng, người có “sổ đỏ” phải ghi rõ quan hệ thế chấp giữa người có “sổ đỏ” và người vay vốn giúp mình và mối quan hệ bảo lãnh của người đó với ngân hàng, tránh trường hợp người bảo lãnh đó cố tình lợi dụng HĐUQ đó để chiếm đoạt tài sản của người có “sổ đỏ”. Thậm chí, phải ghi rõ nếu người bảo lãnh không trả tiền cho ngân hàng, người có “sổ đỏ” sẽ trả thay (để lấy “sổ đỏ”) sau đó có quyền yêu cầu người bảo lãnh trả nợ cho mình”.

Như vậy, những người cần vay vốn bằng hình thức thế chấp QSDĐ cần đặc biệt cẩn trọng với những HĐUQ, tránh mắc bẫy của những đối tượng lừa đảo chiếm đoạt đất như những vụ việc trên. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần có một chế tài và biện pháp mạnh hơn, tránh đẩy những nạn nhân của HĐUQ vào thế bỗng dưng … mất nhà!