Loay hoay tìm cách “quản” phố cổ

ANTĐ - Giá trị của khu phố cổ Hà Nội đã được nhận diện từ mấy chục năm nay. Tuy nhiên, TP vẫn chưa thể hoàn thiện Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc ở khu vực đặc biệt này.

Tôn tạo, bảo tồn phố cổ Hà Nội vẫn là vấn đề hóc búa chưa có lời giải

Ngày 20-12, Sở QH-KT Hà Nội cho biết, khu phố cổ (KPC) Hà Nội được xác định có diện tích xấp xỉ 82 ha, ranh giới phía Tây là phố Phùng Hưng, phía Bắc là tuyến phố Hàng Đậu, phía Đông là tuyến Trần Nhật Duật, phía Nam là các tuyến Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông. Toàn bộ KPC bao gồm 79 tuyến phố và 83 ô phố. 

Nói tới Thủ đô Hà Nội, ai cũng biết tới phố cổ. Thế nhưng, ít người biết rằng Quy chế quản lý phố cổ từ bao năm nay vẫn ở dạng... dự thảo. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội cho biết, TP đã tốn rất nhiều kinh phí, công sức để soạn bản quy chế này nhưng chưa thành công. Không chỉ có “chất xám” của Hà Nội, 11 nước trên thế giới đã cử chuyên gia đến Hà Nội để tham góp và xây dựng những dự án công phu, song để áp dụng, đưa vào thực tế gần như chưa được gì.

Theo Sở QH-KT, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc KPC được xây dựng nhằm cung cấp căn cứ để chính quyền các cấp, các đơn vị, cơ quan thực hiện công tác quản lý, kiểm soát kiến trúc - quy hoạch, cấp phép xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới công trình. Nó cũng bao gồm giải pháp để thực hiện giãn dân phố cổ; làm cơ sở để lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các không gian, khu vực, tuyến đường đặc thù trong phạm vi KPC.

Quy chế đưa ra định hướng việc bảo tồn không gian, cấu trúc quy hoạch đặc trưng của các tuyến phố; phân vùng bảo tồn, tôn tạo và kiểm soát phát triển; kiểm soát không gian liền kề, xác định vùng hỗ trợ chức năng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; bảo tồn và phục dựng những kiến trúc đặc trưng, có giá trị. Đối với bảo tồn không gian, cấu trúc quy hoạch đặc trưng của các tuyến phố, Quy chế xác định trong phạm vi KPC sẽ bảo tồn, tôn tạo, khôi phục các giá trị về không gian, cấu trúc, công trình kiến trúc, nhân rộng những kiến trúc tiêu biểu, đặc trưng của từng tuyến phố, ô phố; giảm dân số toàn KPC xuống dưới 50 nghìn người, mật độ dân số còn 500 người/ha, chỉ tiêu cây xanh đạt 1,5m2/người, mật độ xây dựng trong từng ô phố không quá 70%. Về chức năng, cho phép chức năng thương mại, dịch vụ, hạn chế chức năng ở và nghề ảnh hưởng tới môi trường.

Về phân vùng bảo tồn, tôn tạo và kiểm soát phát triển, KPC được chia thành 3 vùng, vùng bảo tồn, tôn tạo có diện tích khoảng 23ha, bao gồm 29 tuyến phố, 17 ô phố. Tại đây, sẽ bảo tồn, khai thác, nhân rộng các công trình kiến trúc đặc trưng, cho phép các chức năng thương mại, dịch vụ, hạn chế chức năng ở và các nghề ảnh hưởng môi trường. Khu vực phát triển có diện tích gần 59ha, bao gồm 57 tuyến phố, 66 ô phố, tại đây cho phép chức năng các khách sạn quy mô nhỏ, dịch vụ thương mại, ẩm thực, hạn chế chức năng ở và các ngành kinh doanh ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Quy chế cũng xác định khu vực liền kề cần kiểm soát không gian (hết thửa đất ngoài mặt phố các tuyến đường bao quanh các phố Hàng Thùng - Cầu Gỗ - Hàng Bông - Hàng Gai - Phùng Hưng - Hàng Đậu, tổng diện tích 7,19ha), tại đây sẽ kiểm soát không gian kiến trúc chuyển tiếp, tăng cường bổ sung, hỗ trợ các chức năng cho KPC như: đầu mối giao thông, giao thông tĩnh, không gian ngầm, thương mại, khách sạn quy mô lớn. Khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng đô thị bao gồm 2 phường Phúc Tân, Chương Dương.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, để bảo tồn phố cổ, quan trọng nhất là phải có tiêu chí để nhận diện các công trình kiến trúc có giá trị. Các chuyên gia đều nhìn nhận rằng, KPC cần được bảo tồn như một “cơ thể sống”. Trong đó, một điều kiện mà các dự án bảo tồn phố cổ đều đặt ra đó là phải nâng cao điều kiện sống của người dân ở khu vực này. Giải pháp để thực hiện điều này chỉ có một - đó là giảm số dân. Đáng tiếc, từ năm 1999, quận Hoàn Kiếm đã được giao nghiên cứu lập dự án giãn dân phố cổ song tới nay vẫn chưa đâu vào đâu.

Từ những gì đã diễn ra trong nhiều năm qua, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan hữu quan của thành phố phải thực tế hơn khi xây dựng Quy chế quản lý phố cổ. Ông Đào Ngọc Nghiêm khuyến cáo: “Không nên đặt ra những mục tiêu vượt quá khả năng, điều kiện kinh tế để rồi những quy định đó chỉ nằm trên giấy...”

Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, hàng trăm công trình có giá trị kiến trúc đã không còn. Theo điều lệ quản lý tạm thời khu phố cổ, KPC có 1.081 công trình có giá trị. Tuy nhiên, khảo sát lại toàn bộ KPC thì hiện tại chỉ còn 550 công trình có giá trị. Nhiều công trình có giá trị đã bị phá hủy hoặc xây dựng mới.