Lo thí sinh "ảo", các trường xét tuyển bằng tiêu chí phụ

ANTD.VN - Thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT cho thấy, có tới 75% thí sinh đăng ký cùng một lúc vào 2 trường đại học. Điều này khiến cho tỷ lệ thí sinh “ảo” khá cao và khiến các trường khó đối phó và phải đưa ra các tiêu chí phụ để lọc thí sinh.

Nhiều trường phải đặt tiêu chí phụ để lọc thí sinh

Thí sinh mừng - trường lo “ảo”

Năm nay, theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, thí sinh được nộp hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng vào 2 trường khác nhau và được xét bình đẳng nên khi công bố điểm chuẩn trúng tuyển, có không ít thí sinh đỗ cùng một lúc 2 trường.

Khi rơi vào tình huống này, điều thí sinh cần cân nhắc là điều kiện cơ sở vật chất thực tế của mỗi trường, mức học phí, điều kiện ký túc xá, mặt bằng sinh hoạt khu vực xung quanh trường… Quy định mới của Bộ GD-ĐT khiến cho thí sinh có điều kiện lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu, năng lực cá nhân. Tuy nhiên, vấn đề thí sinh “ảo” lại khiến các trường lo lắng.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu để các trường tải dữ liệu về xét tuyển, có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. “Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào 2 trường trong đợt 1. Thí sinh “ảo” là tất yếu”- Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh thì các trường phải chấp nhận tình trạng “ảo” này.

Chia sẻ về khó khăn này, đại diện Học viện Ngân hàng cho biết, các trường lo lắng trường xác định điểm chuẩn với số lượng thí sinh trúng tuyển đủ chỉ tiêu nhưng có bao nhiêu thí sinh đến nộp giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học lại là chuyện khác bởi nhiều thí sinh trúng tuyển 2 trường. Do rơi vào thế bị động, các trường phải đợi đến hết ngày 19-8 mới có thể biết mình tuyển đủ chỉ tiêu hay không. 

Không có tiêu chí phụ, khó tuyển đủ chỉ tiêu

Thời điểm này, điều khiến thí sinh thắc mắc là dù đạt điểm chuẩn của trường nhưng các em rất có thể bị loại nếu không thỏa mãn thêm các tiêu chí phụ. “Thật vô lý khi bằng điểm nhưng bạn em thì đỗ mà em lại trượt” – thí sinh Nguyễn Minh Nga, đăng ký xét tuyển vào ĐH Y Hà Nội cho biết khi em trượt ngành bác sĩ đa khoa dù đạt 27 điểm, bằng điểm chuẩn của trường này đưa ra. 

Phân tích về lý do phải đưa ra tiêu chí phụ, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, tiêu chí phụ được các trường, trong đó có ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra để chọn trong số rất nhiều thí sinh có cùng mức điểm và có nguy cơ vượt chỉ tiêu. “Nếu không có tiêu chí phụ, trường sẽ rất khó để tuyển đủ chỉ tiêu. Có những ngành có tới 120 thí sinh bằng điểm nhau. Vì vậy, nếu không muốn vượt chỉ tiêu, các trường buộc phải đưa ra tiêu chí phụ” – ông Điền chia sẻ.

Được biết, tiêu chí phụ chỉ áp dụng với những thí sinh có điểm thi bằng đúng mức điểm chuẩn vào các ngành của trường. Đồng thời để tránh khả năng vượt chỉ tiêu, các trường buộc phải đưa ra các tiêu chí phụ để giảm lượng thí sinh có cùng mức điểm chuẩn này.

Cũng liên quan tới tuyển sinh đại học 2016, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa yêu cầu các trường không được tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu đã công bố để đảm bảo chất lượng đào tạo và không gây khó khăn về nguồn tuyển đối với các trường khác.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, các trường tự lựa chọn phương án xét tuyển thì đương nhiên phải thực hiện đúng các quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành, trong đó có quy định không được tuyển vượt chỉ tiêu.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, Bộ khuyến khích các trường thống nhất với nhau tổ chức xét tuyển chung trong cả nước hay tham gia các nhóm xét tuyển để giảm thiểu ảnh hưởng của thí sinh “ảo” nhưng nhiều trường còn do dự.