Lo ngại trước diễn biến cúm gia cầm

ANTĐ - Mặc dù không công bố có dịch rộng rãi trên cả nước, nhưng hiện tại, cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện và đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành. Trong khi, báo cáo của Cục Thú y vẫn khẳng định, trên cả nước không có tỉnh nào có dịch cúm A/H5N1. 
Lo ngại trước diễn biến cúm gia cầm ảnh 1
Tiêu hủy đàn gà nhiễm cúm A/H5N1 tại Đắk Lắk. Ảnh: Hải Thanh

Không để dịch cúm lây lan

Ngày 11-2, ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết, sau khi phát hiện hai ổ dịch cúm gia cầm, cúm A/H5N1 xảy ra tại buôn Com Leo, xã Hoà Thắng (TP Buôn Ma Thuột) và tại nhà anh Lê Quốc Trung, ở xã Ea Ver (huyện Buôn Đôn), lực lượng chức năng đã tiêu hủy 32 con ngan và 394 con vịt. Theo ông Trang Quang Thành, một trong những nguyên nhân chính xảy ra dịch cúm gia cầm là do các hộ gia đình không tiêm phòng dịch. Hiện các lực lượng chức năng đã khoanh vùng tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi tại các khu vực có dịch. Tỉnh này cũng chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, kiên quyết không để dịch cúm gia cầm lây lan ra diện rộng.

Cùng ngày, ở thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, thôn Giáo Liêm, xã Triệu Độ, thôn Thượng Trạch, xã Triệu Sơn của huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị cũng đã xuất hiện cúm gia cầm H5N1. 

Tương tự, tại xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, Nam Định đã phát hiện một ổ dịch cúm A/H5N1 tại một hộ đang nuôi 100 con ngan và 400 con vịt đẻ vào ngày 9-2. Ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho hay, tỉnh đã hỗ trợ xã Giao Hà 300 lít hóa chất để phun tiêu độc, khử trùng toàn xã, đồng thời tổ chức tiêm vaccine phòng cúm gia cầm trên địa bàn 5 xã lân cận nhằm bao vây, không chế không để dịch lây lan.

Trước đó, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cũng tiêu hủy hơn 100 con gia cầm dương tính với cúm A/H5N1 của gia đình ông Nguyễn Văn Co ở xã Tân Phú. Ngày 6-2, Chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh đã tiêu hủy 500 con vịt thả đồng của ông Cao Văn Hải ở ấp Hòa Bình, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành bị nhiễm dịch cúm A/H5N1. Tại tỉnh này, dịch đã xuất hiện từ tháng 1-2014, tính đến ngày 11-2, đã có 3 ổ dịch với hơn 2.000 con gia cầm phải tiêu hủy.

Vẫn lo ngại chủng virus độc lực cao

Dịch cúm gia cầm đang diễn biến rất phức tạp tại các địa phương có lượng gia cầm lớn, thêm vào đó, thời tiết từ sau Tết đến nay luôn ẩm thấp, tạo điều kiện cho virus cúm gia cầm lây lan, tuy nhiên, trên trang web chính thức của Cục  Thú y, nơi công bố thông tin về dịch bệnh rộng rãi cho cả nước vẫn “lặng như tờ”, thậm chí không cập nhật thông tin về dịch bệnh để cơ quan chức năng, người dân quan tâm nắm bắt, phòng tránh. Báo cáo của Cục Thú y đến tối 12-2 mới có thông báo về dịch bệnh của ngày 10-2. Tuy nhiên, Cục Thú y vẫn khẳng định, đến ngày 10-2, cả nước không có tỉnh nào có dịch cúm gia cầm?!

Trong khi đó, Bộ NN&PTNT, Cục Thú y lại thường xuyên có Công điện, văn bản yêu cầu các địa phương, người dân phải nâng cao ý thức phòng chống dịch, nhất là trong bối cảnh dịch cúm với nhiều chủng virus độc lực cao đang gây lo ngại tại Trung Quốc. Đáng lưu ý, kết quả giám sát sự lưu hành của virus cúm H5N1 tại 147 chợ cho thấy, 6% dương tính với virus này. 

Nam Định: Có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1


Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định khẳng định, ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1, tỉnh đã có quyết định công bố dịch trên địa bàn xã  Giao Hà, đồng thời báo cáo về Cục Thú y. “Quan điểm của địa phương không bao giờ giấu dịch. Chúng tôi công bố rộng rãi tới người dân trên toàn tỉnh. Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm trên địa bàn xã có dịch. Mà muốn giấu cũng không được vì chúng tôi phải đưa mẫu bệnh phẩm tới Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y) để xét nghiệm”.

Nam Định là một trong những tỉnh chăn nuôi gia cầm lớn ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Sở NN&PTNT tỉnh này cho hay, hiện toàn tỉnh đang nuôi khoảng 6 triệu gia cầm, trong đó Giao Thủy là huyện nuôi lớn nhất. Khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống cúm gia cầm hiện nay theo ông Lê Xuân Thủy là chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, tận dụng sản phẩm dư thừa, do chưa có điều kiện kinh tế để mở trang trại, chăn nuôi tập trung.