Thi tốt nghiệp THPT 2012:

Lo ngại "điểm nóng" tái phát sinh

ANTĐ - Không bắt buộc thi theo cụm, rút lại lực lượng thanh tra ủy quyền cắm chốt tại các hội đồng thi, bỏ chấm chéo... làm nổi lên lo ngại tái diễn các điểm nóng cục bộ như thời kỳ trước khi Bộ GD-ĐT áp dụng các biện pháp nói trên. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, để tránh tình trạng này Hà Nội đã rà soát từng khu dân cư để bảo đảm an ninh trường thi.

- Những thay đổi về lực lượng thanh tra ủy quyền và cắm chốt trong kỳ thi năm nay theo ông liệu có ảnh hưởng đến chất lượng và sự công bằng của kỳ thi này ?

- Đúng là năm nay, theo quy chế mới Bộ GD-ĐT giao quyền chủ động tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương và cũng không còn thanh tra ủy quyền xuống các hội đồng thi. Vì thế chúng tôi xác định việc tổ chức lại càng phải được chuẩn bị kỹ càng để đảm bảo cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Vì không có lực lượng thanh tra uỷ quyền, không có thanh tra cắm chốt tại hội đồng sao in đề thi như mọi năm nên Sở sẽ cử một cán bộ thanh tra và 1 cán bộ an ninh cùng giám sát công tác sao in đề tại hội đồng sao in đề thi. Bên cạnh đó sẽ có gần 450 thanh tra được cử làm nhiệm vụ để đảm bảo cứ 7 phòng thi có 1 thanh tra. Đội ngũ thanh tra đều được phân định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, từng cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

- Cũng chính chủ trương trao quyền tự chủ cho địa phương gây ra lo ngại về việc tái phát sinh các điểm nóng trong kỳ thi tới. Vậy Hà Nội đã tính tới điều này?

- Công tác chuẩn bị cho kỳ thi này của Hà Nội đã được lên kế hoạch và thực hiện rất đầy đủ. Ngay từ khâu kiểm tra cơ sở vật chất  tại các Hội đồng coi thi, kiểm tra hồ sơ dự thi của thí sinh tại các trường THPT, các trung tâm GDTX đã được thực hiện với 18 đoàn thanh tra. Trong quá trình diễn ra kỳ thi sẽ có 18 đoàn thanh tra lưu động kiểm tra tại các hội đồng coi thi, 5 đoàn kiểm tra công tác bảo vệ đề và bài thi. Chúng tôi đặc biệt lưu ý đến một số điểm thi còn hộ dân trong trường, hoặc có tường rào thấp, hay phòng thi sát với khu dân cư. Với sự tham gia vào Ban chỉ đạo thi cấp thành phố của  Lãnh đạo CATP, toàn bộ địa bàn, từng khu vực, tổ dân phố của Hà Nội đều có phương án cụ thể rà soát trước và trong đợt thi để đảm bảo an ninh trật tự trường thi.

- Sự hoạt động trở lại “chợ phao” thời điểm này cũng khiến nhiều người băn khoăn về khả năng có sự buông lỏng trong công tác coi thi. Hà Nội đã có tình trạng “phao” thi rơi  ở sân trường khi kết thúc môn thi. Liệu năm nay tình trạng này có được khắc phục?

- Tình trạng “phao thi” vứt ở sân trường sau mỗi buổi thi đã được ngăn chặn từ nhiều năm nay.  Tuy nhiên, do đặc điểm kỳ thi năm nay có một số môn yêu cầu học sinh phải nhớ các số liệu, các sự kiện ở các môn Lịch sử, Địa lý... và cũng có thể do tâm lý học sinh nghĩ rằng công tác coi thi sẽ phần nào lơi lỏng khi không có lực lượng thanh tra Bộ nên chúng tôi càng phải chú ý làm quyết liệt hơn, tăng cường tập huấn nội quy, quy chế thi cho học sinh và giáo dục các em tuyệt đối không được vi phạm quy chế. 

Việc gian lận sẽ tinh vi hơn

Theo ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này, các đoàn thanh tra lưu động đã tới các địa phương với nhiệm vụ thanh tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi …  Bên cạnh đó, các đoàn thanh tra này được giao trách nhiệm thực hiện một số hình thức nghiệp vụ không báo trước để ngăn chặn mọi hành vi tiêu cực, trong đó đặc biệt lưu ý thí sinh sử dụng “phao” thi. Cũng theo ông Nguyễn Huy Bằng, mặc dù nhiều năm nay không còn các hiện tượng công khai như cướp đề, ném phao thi, lời giải vào phòng thi nhưng chắc chắn sẽ xuất hiện những thủ đoạn gian lận tinh vi hơn. Chính vì vậy, nhiệm vụ của các đoàn thanh tra lưu động của Bộ là tăng cường giám sát hoạt động các hội đồng coi thi và yêu cầu thực hiện quy chế thi nhằm siết chặt kỷ luật phòng thi.