Lò mổ tự phát gây ô nhiễm

(ANTĐ) - Thời gian gần đây, hàng trăm người dân thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, phản ánh tình trạng môi trường học tập của con em họ đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tiếng ồn phát ra từ gia súc và phương tiện vận chuyển của lò mổ diễn ra từ nửa đêm đến sáng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và cuộc sống của người dân nơi đây...

Lò mổ tự phát gây ô nhiễm

(ANTĐ) - Thời gian gần đây, hàng trăm người dân thôn Văn Xá, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, phản ánh tình trạng môi trường học tập của con em họ đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tiếng ồn phát ra từ gia súc và phương tiện vận chuyển của lò mổ diễn ra từ nửa đêm đến sáng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và cuộc sống của người dân nơi đây...

Mùi xú uế nồng nặc

Chúng tôi đến xã Nhị Khê, huyện Thường Tín vào những ngày cuối năm. Cách Quốc lộ 1A chừng vài trăm mét là con đường chính dẫn vào trung tâm xã. Dọc tuyến đường bê tông là hệ thống mương tưới tiêu phục vụ công tác nông nghiệp. Đây cũng là con đường trung tâm dẫn đến các trường mầm non, tiểu học, THCS, sân vận động, chợ dân sinh và trụ sở UBND xã Nhị Khê. Khi vừa mới đặt chân đến đầu xã, chúng tôi đã ngửi thấy mùi xú uế đặc quánh không thoát đi đâu được. Trên bề mặt con mương rộng khoảng 3m, phủ kín chất thải đen sì như lớp nhựa đường dày đặc. Đối diện con mương là cơ sở giết mổ gia súc của gia đình ông Phạm Đức Nhất, thôn Văn Xá, xã Nhị Khê.

Con mương bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ các lò mổ
Con mương bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ các lò mổ

Người dân nơi đây đang bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh từ lò mổ này. Một cụ già sống gần khu vực lò mổ chia sẻ: “Lò mổ hoạt động cách đây gần một tháng, mỗi ngày có đến cả trăm con lợn được vận chuyển bằng xe tải về đây giết mổ, sau đó chúng được giao cho những người buôn bán nhỏ lẻ chuyên chở bằng xe máy rồi đưa đến các khu vực nội thành.

Từ 24h đến tận sáng, tiếng lợn kêu đinh tai nhức óc, tiếng người huyên náo, tiếng xô chậu loảng xoảng khiến cả khu dân cư không ai ngủ được. Đã vậy, nước thải chảy vào mương tưới tiêu khiến nước mương đổi màu đen ngòm, đặc quánh, ruồi muỗi đậu kín, ai qua đây cũng phải bịt mũi đi thật nhanh...”. Anh Nguyễn Văn Tứ, một người dân có con đang học ở trường Tiểu học Nhị Khê lo lắng: “Khổ nhất là các cháu nhỏ đang học tại một số trường gần đây hàng ngày phải đi qua khu vực này.

Con tôi cho biết, các cháu ngồi trong lớp vẫn ngửi thấy  mùi hôi thối khó chịu được bốc ra từ lò mổ này. Sân vận động của xã nằm ngay cạnh đường, trước đây chiều nào cũng đông vui tấp nập, thanh niên đá bóng, người già đi dạo, tập thể dục thì nay cũng vắng tanh. Bên cạnh đó, nhiều người lớn tuổi còn lo ngại nghĩa trang của xã chỉ cách con mương vài chục mét, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến mạch nước ngầm...”.

Đã đình chỉ hoạt động của lò mổ

Ông Nguyễn Tiến - Chủ tịch UBND xã Nhị Khê cho biết: “Cách đây nửa tháng, trên địa bàn xã có 2 lò mổ tư nhân hoạt động tự phát. Sau khi nhận được phản ánh của nhân dân, UBND xã đã xuống kiểm tra và nhận thấy các lò mổ được xây dựng sơ sài, tạm bợ, trên diện tích chật chội với quy mô nhỏ, gây ô nhiễm môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến an ninh trật tự làng xóm, không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, đoàn kiểm tra đã lập biên bản ghi nhận hiện trạng của 2 cơ sở giết mổ gia súc này”...

Cũng theo ông Tiến, ngày 15-12-2010, đại diện trạm thú y huyện Thường Tín cũng xuống làm việc với chính quyền địa phương về các lò mổ trên đồng thời đề nghị phối hợp kiểm tra lại. Kết quả cho thấy cơ sở giết mổ của gia đình ông Phạm Đức Nhất không bảo đảm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm lại nằm sát khu dân cư nên đã ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường khu vực.

Do vậy, đoàn kiểm tra đã đề nghị UBND xã Nhị Khê ra quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở giết mổ gia súc này. Kể từ ngày 25-12 lò mổ của gia đình ông Nhất phải chấm dứt hoạt động giết mổ không phép. Hiện UBND xã đã giao cho Ban Công an xã kết hợp với các cán bộ chuyên môn tuyên truyền vận động, theo dõi việc thực hiện quyết định đình chỉ hoạt động của chính quyền địa phương với các cơ sở giết mổ trên đồng thời có báo cáo kịp thời nếu phát hiện có hành vi tái phạm.

Còn tình trạng ô nhiễm của đoạn mương tưới tiêu chạy qua địa bàn xã đã có từ trước do chất thải của một số hộ dân nấu rượu trong xã. Tuy vậy, chất thải của một số lò mổ đã khiến đoạn mương này bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân khu vực lân cận.

Được biết từ đầu tháng 12 2010, Chi cục Thú y thành phố đã có công văn số 727/CV-TYKD về việc tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ vệ sinh thú y trong dịp Tết Nguyên Đán. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường sống trong lành cho người dân, đề nghị UBND xã Nhị Khê thường xuyên kiểm tra những cơ sở giết mổ gia súc đã bị đình chỉ đồng thời tiến hành các biện pháp khử trùng, dọn vệ sinh khu vực giết mổ, mương tưới tiêu đang bị ô nhiễm, ngăn chặn tình trạng phát sinh và lây lan dịch bệnh, nhất là trong dịp Tết Tân Mão đang tới gần.

Nhóm PV Bạn đọc