Livestream xem bói trên Tiktok nhằm trục lợi có thể phải ngồi tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiện trên nền tảng mạng xã hội Tiktok xuất hiện nhiều video livestream xem bói thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ. Theo các chuyên gia pháp lý, livestream xem bói trên Tiktok nhằm trục lợi là phạm pháp.

Trong những ngày đầu năm mới trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Zalo,… việc xem bói trực tiếp qua livestream bỗng dưng nở rộ thu hút đông đảo người xem đặc biệt là các bạn tre, từ xem bài Tarot, xem tử vi, xem bói bằng chỉ tay.

Người có nhu cầu chỉ cần xem livestream, để lại số điện thoại, gửi hình hoặc đôi khi chỉ cần like và comment bên dưới là được phán về tương lai công danh, sự nghiệp, gia đình của người đó.

Trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều cá nhân livestream xem bói công khai

Trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều cá nhân livestream xem bói công khai

Theo quy định hiện hành, pháp luật ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân song nghiêm cấm hành vi mê tín, dị đoan thông qua việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để xâm hại đến chế độ chính trị, an ninh quốc phòng; đạo đức xã hội, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản của người khác và có hành vi trục lợi bất chính.

Như vậy, nếu việc xem bói không nhằm mục đích trục lợi, không gây hậu quả xấu và không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự không bị coi là vi phạm pháp luật và không bị xử lý.

Song nếu hành vi livestream xem bói lợi dụng sự mê tín, cả tin của những người dùng mạng xã hội để thu tiền, trục lợi bất chính là vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về phạt hành chính, nếu hành vi lợi dụng bói toán để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thì theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người lừa đảo livestream bói toán trên mạng có thể bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.

Còn theo Điều 14 và Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, đối tượng phát livestream xem bói online có thể bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng về hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

Trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tổ chức livestream để xem bói có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín, dị đoan với khung hình phạt cao nhất đến 10 năm tù giam.

Điều 320 BLHS 2015 quy định, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết người; Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng.