Liên tiếp hàng chục ca nhập viện vì rắn độc cắn

ANTD.VN - Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai hiện đang cấp cứu, điều trị 8 bệnh nhân bị rắn độc cắn…

Một bệnh nhân bị rắn cắn đang nằm điều trị ở Trung tâm Chống độc, ngón tay có dấu hiệu hoại tử

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoảng một tuần trở lại đây, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân bị rắn cắn phải nhập viện.

Hiện tại, Trung tâm Chống độc đang điều trị cho 8 ca bị rắn độc cắn. Bệnh nhân chủ yếu là nam giới, đến từ các tỉnh lân cận Hà Nội như Phú Thọ, Bắc Giang, Hưng Yên, trong đó có những ca nặng do nhập viện muộn.

Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, thông thường vào mùa hè, lượng bệnh nhân bị rắn độc cắn phải nhập viện thường gia tăng. Lý do vì do ở Việt Nam, thời điểm từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm là mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc.

Đáng chú ý, không chỉ người dân ở vùng nông thôn mà ngay cả ở thành phố cũng thi thoảng xuất hiện ca bệnh bị rắn cắn phải nhập viện do vui chơi ở bãi cỏ công viên…

Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân khi bị rắn cắn là tìm đắp các loại lá hoặc bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) thì mới đưa đến các cơ sở y tế.

Trong khi đó, hiện Việt Nam có rất nhiều loại rắn độc và mỗi loại lại có cơ chế gây độc khác nhau. Do đó, cần tùy theo loại rắn độc cắn mà chúng ta có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, sau khi bị rắn độc cắn, người dân cần nhanh chóng sơ cứu bằng cách không để bệnh nhân tự đi lại; bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn); áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường; vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế...