Gian nan bài toán xử lý xe quá tải "cày nát" đường ở huyện Đông Anh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tình trạng xe chở quá tải chạy rầm rập trên các tuyến đường liên thôn, liên xã, đường cấm tại huyện Đông Anh đang là vấn đề nhức nhối. Lực lượng chức năng đang gặp khó trong vấn đề xử lý. Và trước khi có được biện pháp triệt để, thì những con đường vẫn đang ngày ngày chịu áp lực rất lớn từ những chiếc xe nặng nề hàng hóa.

Khó xử lý triệt để

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) đang tồn tại tình trạng xe tải có dấu hiệu chở quá tải trọng cho phép lưu thông trên các tuyến đường gây ảnh hưởng kết cấu hạ tầng giao thông như dọc tuyến Quốc lộ 3. Xe chạy “rầm rập” không được che chắn gây bụi, ô nhiễm. Theo phản ánh của người dân, ngày nắng thì bụi mờ mịt, ngày mưa thì như bùn lầy, rất nguy hiểm.

Xe quá tải chạy trên đường Quốc lộ 3 đoạn qua xã Mai Lâm gây bụi mờ mịt

Xe quá tải chạy trên đường Quốc lộ 3 đoạn qua xã Mai Lâm gây bụi mờ mịt

Chưa hết, nhiều phương tiện còn ngang nhiên đi vào các tuyến đường đã có biển cấm xe có tổng tải trọng từ 15 tấn trở lên như Dục Tú, Gia Lương nối xã Dục Tú và Việt Hùng...

Không còn cảnh người già đưa trẻ nhỏ ra đường hóng mát. Không còn những chiều các cụ ngồi cửa đánh cờ. Giờ đây, ai cũng đi vội với khẩu trang kín mít không thấy mặt để tránh bụi. Học sinh cấp 2 cũng phải do người lớn đưa đón đi học, bởi nỗi lo tai nạn giao thông thường trực… Người dân không khỏi bức xúc.

Xe chở "có ngọn" lưu thông vào đường cấm

Xe chở "có ngọn" lưu thông vào đường cấm

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô - Trung tá Nguyễn Tùy Tùng, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 15 (Phòng CSGT - CATP Hà Nội) cho biết, địa bàn huyện Đông Anh rất rộng với 23 xã và 1 thị trấn. Do sự phát triển, đô thị hóa nhanh, nhiều công trình lớn đã được mọc lên, cùng với đó là các công trình sửa chữa, xây dựng của người dân, dẫn đến nhu cầu san lấp mặt bằng, vận chuyển vật liệu xây dựng tăng cao.

“Qua công tác nắm tình hình và xác định các vi phạm, đơn vị cũng đã triển khai 4 ca tuần tra khép kín địa bàn huyện để xử lý. Tuy nhiên, địa bàn rộng mà lực lượng lại quá mỏng, nên khi xử lý ở địa bàn này thì sẽ xảy ra vi phạm ở địa bàn khác. Thậm chí có việc liên kết chặt chẽ giữa các lái xe thông qua các nhóm.

Khi thấy lực lượng CSGT làm nhiệm vụ thì sẽ thông báo cho nhau để chạy vào các tuyến đường khác. Đây chính là lý do dẫn tới việc các xe này bất chấp đường cấm, đường liên thôn liên xã để chạy, gây khó khăn cho lực lượng CSGT chúng tôi” - Trung tá Nguyễn Tùy Tùng thông tin.

Những chiếc xe chở đất cát khiến đường xá bụi mù, ô nhiễm môi trường

Những chiếc xe chở đất cát khiến đường xá bụi mù, ô nhiễm môi trường

Còn theo Đại úy Nguyễn Văn Dũng - cán bộ CSGT Tổ địa bàn Đông Anh, vì địa bàn rộng lại nhiều công trình xây dựng, nên việc cắm chốt xử lý sẽ không mang lại kết quả cao. Do vậy, quá tình làm nhiệm vụ, các tổ công tác chủ yếu tuần tra, khi phát hiện xe tải có dấu hiệu vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, hoặc cơi nới thành thùng xe sẽ yêu cầu dừng để kiểm tra.

Để xử lý 1 trường hợp xe tải vi phạm mất rất nhiều thời gian...

Để xử lý 1 trường hợp xe tải vi phạm mất rất nhiều thời gian...

“Việc xử lý xe chở quá tải mất rất nhiều thời gian. Nhiều lái xe, chủ xe chây ỳ không hợp tác nên quá trình đưa xe về trạm cân, xác định vi phạm, hoàn thiện biên bản đối với các trường hợp vi phạm có khi tốn vài giờ đồng hồ. Và trong lúc này, các lái xe đã kịp thông báo cho nhau để chuyển hướng hoặc tạm dừng vận chuyển, né tránh kiểm tra”.

... nên tranh thủ các xe khác nhận thông tin là chuyển hướng, bất chấp đường cấm

... nên tranh thủ các xe khác nhận thông tin là chuyển hướng, bất chấp đường cấm

Trung tá Nguyễn Tùy Tùng cũng cho biết thêm, huyện Đông Anh có tuyến đê dài 16km đi qua nhiều xã như Hải Bối, Võng La, Tàm Xá, Vĩnh Ngọc… trong khi khối lượng xe chạy lớn mà lực lượng mỏng thì rất khó giải quyết được triệt để.

Bài toán nan giải

Liên quan đến vấn đề nhức nhối này, phóng viên An ninh Thủ đô cũng đã có buổi làm việc với Lãnh đạo xã Mai Lâm. Ông Phạm Văn Hưng - Phó chủ tịch UBND xã thông tin, trên địa bàn xã có 3 bãi được cấp phép làm nơi trung chuyển vật liệu xây dựng. Các xe tải sẽ lấy hàng từ 3 bãi tập kết này và chuyển đi các địa bàn khác phục vụ việc xây dựng, san lấp.

Nhiều lái xe, chủ xe chây ỳ, gây khó cho lực lượng Cảnh sát giao thông

Nhiều lái xe, chủ xe chây ỳ, gây khó cho lực lượng Cảnh sát giao thông

“Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với các bãi, có văn bản yêu cầu chủ bãi ký cam kết việc bốc xếp hàng hóa phải đảm bảo đúng tải trọng cũng như vệ sinh môi trường khi ra khỏi bãi. Tuy nhiên, cái khó ở đây là, các doanh nghiệp vận tải không đóng trên địa bàn nên rất khó để quản lý”.

Ký cam kết làm vậy, nhưng bên thầu vận chuyển lại là đơn vị khác, không ký hợp đồng trực tiếp với bãi nên “việc ai nấy làm”, dẫn tới tình trạng vi phạm như hiện nay.

Lái xe ký vào kết quả cân tải trọng để xác định rõ vi phạm

Lái xe ký vào kết quả cân tải trọng để xác định rõ vi phạm

“Trước những bức xúc của người dân và tình trạng diễn ra hàng ngày như thế này, chúng tôi cũng đã có nhiều buổi làm việc liên ngành phối hợp để tìm biện pháp xử lý. Đối với các bãi trên địa bàn, UBND xã yêu cầu doanh nghiệp cam kết phải tưới nước 4 lần/ngày để hạn chế bụi. Còn về xử lý các phương tiện quá tải chạy qua địa bàn thì UBND xã chúng tôi không có thẩm quyền…” - ông Phạm Văn Hưng nói thêm.

Sáng 6-5, Tổ CSGT địa bàn huyện Đông Anh đã dừng xe kiểm tra với 2 phương tiện mang BKS: 29K-196.57 và 18C-153.39 chở đất cát đi san lấp. Cả 2 trường hợp này đều được xác định chở quá tải. Trong quá trình xử lý, đã có những sự “can thiệp” nhưng tổ công tác không đồng ý, kiên quyết lập biên bản.

Lái xe dù biết quá tải nhưng vẫn chở vì chỉ đi làm thuê

Lái xe dù biết quá tải nhưng vẫn chở vì chỉ đi làm thuê

Các lái xe đều thừa nhận biết xe chở quá tải nhưng vì đi làm thuê nên “chủ bảo chở thì phải chở thôi”. Khi được hỏi có biết việc chở hàng quá tải trọng gây nguy cơ tai nạn giao thông cao hay không, nhất là tại các tuyến đường đông dân cư thì những người này im lặng.

Ai cũng có cái khó của mình. Chính quyền thì không có thẩm quyền xử lý, lực lượng CSGT thì không có đủ người để bao quát toàn địa bàn, giải quyết triệt để. Trong khi đó, chủ bến bãi hay chủ thầu xây dựng thì thờ ơ, “vô can”, miễn là hàng đến và đi thuận lợi. Còn doanh nghiệp vận tải thì cố làm sao giảm chi phí nhân công, xăng dầu, hao mòn xe mà vẫn tăng lợi nhuận.

Còn rất nhiều nan giải trong việc xử lý xe quá tải trên địa bàn huyện Đông Anh nếu không có sự đồng bộ trong công tác phối hợp và những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa

Còn rất nhiều nan giải trong việc xử lý xe quá tải trên địa bàn huyện Đông Anh nếu không có sự đồng bộ trong công tác phối hợp và những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa

Khổ nhất đầu tiên là những con đường chịu áp lực lớn lâu ngày sụt lún, nứt vỡ, tạo thành những “ổ trâu, ổ voi”, sau đó là người dân sinh sống tại các địa bàn - nơi những xe chở quá tải đi qua. Trách nhiệm thuộc về ai có lẽ vẫn là một câu hỏi khó, rất khó! Và bài toán giải quyết triệt để tình trạng xe quá tải trên địa bàn huyện Đông Anh hiện vẫn rất nan giải…