Liên tiếp các vụ học sinh tự tử: Chuyên gia tâm lý nêu dấu hiệu nhận biết trẻ muốn tìm đến cái chết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên tiếp các vụ học sinh tự sát diễn ra trong vài ngày qua khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Nhiều người đặt câu hỏi: Đâu là nguyên nhân chính khiến trẻ phải tự kết liễu đời mình? Những dấu hiệu nào để nhận biết trẻ có ý định tìm đến cái chết?

Những nỗi đau còn mãi

Như ANTĐ đã đưa tin, rạng sáng 1-4, nam sinh có tên L.N.N.M (SN 2006) ở quận Hà Đông, Hà Nội đã nhảy từ ban công tầng 28 của một căn hộ trong khu chung cư xuống tự vẫn. Trước khi có hành động dại dột này, nam sinh đã viết một bức thư để lại trên bàn dặn bố đọc.

Trong thư, nam sinh này đã gửi lời xin lỗi tới bố mẹ về hành động bồng bột. Sau khi xuất hiện trên mạng, bức thư và đoạn clip ghi lại hiện trường vụ tự tử đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Hầu hết mọi người đều bày tỏ sự đau đớn, xót xa trước việc làm dại dột của cậu bé.

Trước đó 1 ngày, tại Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, gia đình cháu cháu N.K.L phát hiện cháu L tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng.

Trước khi treo cổ tự tử cháu N.K.L - học sinh lớp 8 của một trường THCS ở Thành phố Bắc Ninh cũng để lại thư và nhiều trang nhật ký nói mình sắp đi xa. Được biết, L là một học sinh học giỏi, chăm ngoan, ít nói, có biểu hiện trầm cảm.

Phần lớn trẻ tự tử ở tuổi vị thành niên là do trầm cảm (ảnh minh hoạ)
Phần lớn trẻ tự tử ở tuổi vị thành niên là do trầm cảm (ảnh minh hoạ)

Nhìn nhận các vụ việc trên dưới góc độ tâm lý, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, không chỉ người lớn mà trẻ em ngày nay cũng gặp vô số áp lực. Đó là những vướng mắc phát sinh trong mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và cả cha mẹ, những áp lực về học tập, điểm số, kỳ thi…

Nhiều vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng nếu cứ chất chứa, không có hướng giải tỏa, không ai để tâm sự, không trang bị đầy đủ kỹ năng để đối diện sẽ dần khiến các bạn trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, khi trong độ tuổi mới lớn, trẻ chưa có đủ kinh nghiệm sống nên khó đón nhận khó khăn, suy nghĩ nhạy cảm và dễ có những hành động tiêu cực. Nếu người lớn không quan tâm đến cảm xúc, tâm lý của trẻ thì sẽ khó nắm bắt, can thiệp và ngăn chặn hành động sai lệch tiêu cực.

Làm thế nào để biết trẻ muốn tự sát?

Về nguyên nhân thúc đẩy trẻ tìm đến cái chết, theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, phần lớn trẻ tự tử ở tuổi vị thành niên là do trầm cảm. Khi phải chịu sức ép từ gia đình, bạn bè, học tập, bị lạm dụng tình dục, thất bại trong chuyện tình cảm... trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự sát và xem việc tự sát là một cách giải thoát.

Ngoài ra, một số căn bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, hoang tưởng, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách cũng có thể là nguyên nhân bệnh lý dẫn đến tình trạng này.

Cũng theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, trẻ vị thành niên khi bị trầm cảm và có ý định tự tử thường bộc lộ rất nhiều phản ứng bất thường như cảm thấy buồn rầu, hay trống rỗng, mệt mỏi; Mất hứng thú với các hoạt động yêu thích; Bi quan về tương lai, cảm thấy vô vọng;

Bên cạnh đó, một số trẻ cảm thấy tự ti, đánh giá thấp về bản thân; Không thể tập trung, hoặc suy giảm trí nhớ; Không thể ngủ hoặc ngủ quá nhiều; Tỏ ra cáu kỉnh, giận dữ, muốn thu mình lại; Muốn chết, có ý nghĩ tự sát, cố gắng tự sát…

Khi phát hiện con có các dấu hiệu trên, cha mẹ nên quan tâm tới con cái, tâm sự cùng con, lắng nghe con để từng bước tháo gỡ các vấn đề mà con cảm thấy bế tắc. Khi nghi ngờ con cái có vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm phụ huynh cũng nên đưa con đi khám chuyên khoa tâm thần.

Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, các bậc cha mẹ nên hướng dẫn con em mình trang bị các kỹ năng về quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề để có thể đối diện và xử lý cảm xúc tiêu cực.

Cha mẹ cũng cần quan tâm đến cảm xúc của con nhiều hơn, thường xuyên trò chuyện và hãy coi con như một người bạn, đừng đặt kỳ vọng quá lớn lên các con mình bởi vô tình nó sẽ trở thành áp lực đè nén suy nghĩ, cảm xúc của trẻ.

Về phía các em, hãy mạnh dạn chia sẻ, khi có vấn đề phát sinh cần tâm sự với những người mà mình tin tưởng, đừng chịu đựng một mình; tập suy nghĩ và xây dựng cảm xúc tích cực hằng ngày, học cách đối diện với khó khăn thay vì trốn chạy. Khi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi hãy nghỉ ngơi, thư giãn như nghe nhạc, chơi môn thể thao mình yêu thích, lang thang 1 mình – Tiến sỹ Cẩm Tú đưa ra lời khuyên.